Bài 3: Hoàn thiện chính sách về bảo vệ môi trường
Nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương, cùng với công tác hoàn thiện chính sách về BVMT, Quảng Ninh cũng gấp rút đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt.
Hoàn thành 6 bộ quy chuẩn kỹ thuật
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV: “Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động toàn diện phía Bắc” cùng với đó để kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường, hiện tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết số 12/NQ-TU ngày 12/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018 - 2022; Nghị quyết số 236/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh về những về những chủ trương giải pháp tăng cường công tác quản lý, BVMT tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 10/1/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chủ đề năm 2018 về bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 21/02/2019 của UBND tỉnh về thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh…
Quảng Ninh đã hình thành phong trào chống rác thải nhựa |
Quảng Ninh cũng đã hoàn thành xây dựng và ban hành Bộ quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương, bao gồm 6 bộ quy chuẩn, phổ biến tới các cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức, cá nhân được biết, thực hiện lộ trình áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 1/1/2021. Đây là công cụ kỹ thuật, là cơ sở pháp lý thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để cải thiện sản xuất, xử lý chất thải...
Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong trao đổi, chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm soát... kịp thời kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường hiệu quả công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh; liên vùng giáp ranh như Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Nâng cao nhận thức trong cộng đồng
Theo đó, Quảng Ninh xác định, công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường tiếp tục là giải pháp quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu.
Ông Phạm Quang Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Quảng Ninh khẳng định: Thời gian qua, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh có tác động sâu rộng, kịp thời, hiệu quả đến cộng đồng, dư luận trong và ngoài tỉnh, cổ vũ, động viên những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ môi trường; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường sáng tạo, tiêu biểu như: Biến rác thành tiền, Ngày chủ nhật xanh, Câu lạc bộ phụ nữ tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường; đoạn đường tự quản; phong trào chống rác thải nhựa; phong trào phân loại rác tại nguồn...; thực hiện đưa nhiều lượt tin, bài trên sóng truyền hình, sóng phát thanh, báo Quảng Ninh...
Hoạt động thả cá trên Vịnh Hạ Long nhằm gia tăng nguồn lợi thủy sản góp phần cân bằng hệ sinh thái biển |
“Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng, củng cố các bộ cơ sở dữ liệu về quản lý tài nguyên và môi trường (TN&MT) như: Đầu tư hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh, chuyển tải liên tục, trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ TN&MT, UBND các địa phương, công khai thông tin môi trường cho người dân được biết, giám sát” - ông Vinh cho biết.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 157 trạm quan trắc môi trường tự động được đầu tư lắp đặt và đi vào hoạt động; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý TN&MT, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (trung tâm GIS vùng); ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nguồn ô nhiễm nước vịnh Hạ Long; xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ công tác quản lý môi trường tỉnh Quảng Ninh… Đây là những cơ sở quan trọng, cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin môi trường để hoạch định chính sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện đóng cửa và công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với các bãi chôn lấp không còn khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải hoặc các bãi chôn lấp không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Đa dạng, hiện đại hóa phương thức xử lý chất thải theo định hướng giảm dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tăng dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt.
Tăng cường huy động vốn
Huy động các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường tiếp tục được chính quyền tỉnh Quảng Ninh đặt ra. Hiện, ngân sách nhà nước được bố trí tăng hàng năm, đảm bảo không dưới 3% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp môi trường.
Hàng năm, tỉnh thực hiện rà soát, ban hành Danh mục dự án bảo vệ môi trường ưu tiên xúc tiến đầu tư, làm cơ sở xúc tiến đầu tư. Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn hợp tác, nguồn vốn xã hội hóa... để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trọng tâm, như: Kinh phí để thực hiện chính sách di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời đến năm 2025 là 67 tỷ đồng, các địa phương tự cân đối 37 tỷ đồng; nguồn vốn ODA ưu đãi tài trợ từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để thực hiện dự án Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê kông (GMS) lần thứ 2 - tỉnh Quảng Ninh; kinh phí để đóng cửa phục hồi môi trường khu xử lý rác thải, đầu tư lò đốt rác tại các khu vực hải đảo, vùng sâu, vùng xa, xây dựng bãi chôn lấp rác thải, đầu tư phương tiện thu gom vận chuyển rác thải…
Trạm quan trắc nước thải tự động tại mỏ than Cọc 6 khu vực Tràng Khê-Hồng Thái được TKV đầu tư |
Các doanh nghiệp đã chủ động bố trí kinh phí đầu tư các hạng mục giám sát quan trắc tự động; thu gom, xử lý chất thải, cải tạo, phục hồi môi trường; chủ động trang sắm trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất thân thiện môi trường như: Ngành than đã chi 4,8 nghìn tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, công trình thuộc đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than.
Về các giải pháp về khoa học và công nghệ, theo kế hoạch hàng năm Quảng Ninh đã bố trí kinh phí để triển khai các nhiệm vụ, đề án nghiên cứu khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường, tập trung vào các lĩnh vực: Ứng dụng các công nghệ tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; ứng dụng mô hình sử dụng tảo biển để xử lý ô nhiễm kim loại nặng, phục hồi hệ sinh thái tại khu vực vịnh Hạ Long; ứng dụng công nghệ LIDAR để quan trắc môi trường bụi không khí; ứng dụng xúc tác nano đốt rác thải hữu cơ sinh hoạt… Đây là những cơ sở quan trọng để áp dụng, nhân rộng tiến bộ khoa học trong bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, phòng ngừa, ứng phó biến đổi khí hậu tại Quảng Ninh.
Bên cạnh đó là các giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế với nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được tổ chức thành công. Đồng thời, tỉnh cũng đã xúc tiến các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, trong đó Nhật Bản vẫn là đối tác cung cấp ODA nhiều nhất thông qua việc tài trợ, hỗ trợ thực hiện các dự án gồm: Khảo sát xác nhận khả năng phổ biến công nghệ của Công ty Nhật Bản trong lĩnh vực cải thiện môi trường sử dụng hệ thống Bio-Toilet "Bio-Lux" và New Johka “Bio-Lux water”; thí điểm xử lý ô nhiễm hồ Hùng Thắng (TP.Hạ Long) bằng công nghệ Bakture Nhật Bản…
Công ty Yazaki đầu tư xây dựng một công viên ngay trong khu vực nhà máy tại KCN Đông Mai,TP Uông Bí |
Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là “Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động toàn diện phía Bắc” cũng như tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý bảo vệ môi trường, Quảng Ninh xác định tiếp tục phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm, các sự cố môi trường, tập trung vào các khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và Khu kinh tế Vân Đồn; chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính…