A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến đổi khí hậu - "thủ phạm" khiến cua tuyết Alaska chết hàng loạt

Các chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu là "nghi phạm chính" khiến cua tuyết Alaska chết hàng loạt. Trước đó, bang Alaska của Mỹ đã đưa ra quyết định chưa từng có trong việc hủy bỏ mùa đánh bắt cua tuyết ở khu vực biển Bering do số lượng loài này đã giảm xuống mức đáng báo động.

Theo kết quả một cuộc khảo sát thường niên đối với khu vực biển Bering do Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA) thực hiện, ước tính tổng số lượng cua tuyết Alaska đã giảm 84% từ 11,7 tỷ con năm 2018 xuống còn khoảng 1,9 tỷ con trong năm 2022.

Nhà sinh vật học biển Erin Fedewa tại Trung tâm Khoa học Thủy sản Alaska cho biết việc suy giảm số lượng cua tuyết thấp đến mức đáng kinh ngạc hiện nay là hệ quả của các đợt nắng nóng trong năm 2018 và 2019. Bà Fedewa nhấn mạnh rằng môi trường nước lạnh cần cho sự sống của cua tuyết gần như không có. Điều này cho thấy nhiệt độ thực sự là "thủ phạm chính" dẫn tới tình trạng suy giảm trầm trọng số lượng loài này. Thêm nhiều nghiên cứu đang được tiến hành và các kết quả nghiên cứu sẽ sớm được công bố.

Giám đốc điều hành Hiệp hội đánh bắt Alaska Bering Sea Crabbers, bà Jamie Goen, nhấn mạnh rằng đây thực sự là thời điểm khó khăn chưa từng có đối với hoạt động đánh bắt cua mang tính biểu tượng của Alaska cũng như đối với những ngư dân và cộng đồng phụ thuộc vào loài động vật này.

Mặc dù vậy, cuộc khảo sát thường niên của NOAA cũng chỉ ra một thông tin tích cực. Theo đó, số lượng cua chưa trưởng thành năm 2022 đã tăng đáng kể so với năm ngoái. Tuy nhiên, sẽ mất khoảng 4-5 năm để những con cua đực trong số này phát triển đến kích thước có thể đánh bắt được. Trong khi đó, nhà sinh vật học biển Fedewa cho biết sau nhiều năm nắng nóng, nhiệt độ đã trở lại bình thường, do đó bà hy vọng rằng việc tạm dừng hoạt động đánh bắt sẽ giúp loài này sinh sản và phục hồi số lượng.

Đầu tuần này, lần đầu tiên Sở quản lý hoạt động đánh bắt bang Alaska tuyên bố hủy bỏ mùa đánh bắt cua tuyết năm 2022-2023 trên biển Bering nhằm bảo tồn cũng như tái tạo số lượng loài động vật giáp xác này. Cua tuyết cũng được tìm thấy tại các vùng biển Chukchi và Beaufort về phía Bắc, song chúng không phát triển tới các kích thước đủ để có thể đánh bắt được.

Trong lịch sử, nguồn cua tuyết tại biển Bering rất dồi dào, do đó việc loài động vật này suy giảm nghiêm trọng được xem là minh chứng cho sự gián đoạn sinh thái. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng tỷ lệ cua mắc bệnh cua đắng (BCD) ngày càng tăng khi nhiệt độ ấm lên. Căn bệnh này do ký sinh trùng thuộc chi Hematodinium gây ra, khiến thịt cua sau khi nấu chín thường có vị đắng. Môi trường nước ấm hơn cũng gây áp lực trao đổi chất lớn hơn đối với loài giáp xác này, điều đó đồng nghĩa chúng cần nhiều năng lượng hơn để sinh tồn.

Các con cua tuyết non đặc biệt cần nhiệt độ thấp để lẩn tránh cá tuyết Thái Bình Dương, loài động vật săn mồi lớn hơn so với chúng. Tuy nhiên, nhiệt độ tại các vùng mà cua non thường sinh sống đã tăng từ mức 1,5 độ C năm 2017 lên 3,5 độ C vào năm 2018, vượt ngưỡng an toàn (3 độ C) theo kết quả của một số nghiên cứu.

PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm