Tăng cường quản lý Nhà nước và xây dựng lực lượng ngành
6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra tỉnh Thái Bình đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu về trình độ, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Thanh tra tỉnh Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.
Với trách nhiệm là cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra tỉnh đã kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật KN, Luật TC, Luật Tiếp công dân, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KN, TC…
Đồng thời, thực hiện Quyết định số 2776/QĐ-UBND ngày 20/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình về việc ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2024, Thanh tra tỉnh đã có công văn gửi giám đốc các sở, chủ tịch UBND các huyện, TP đề nghị thông báo đến đối tượng thanh tra nội dung thanh tra, thời gian thực hiện thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, có công văn gửi kèm kế hoạch thanh tra đến các cơ quan liên quan theo quy chế phối hợp trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp và công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng…
Ngày 17/1/2024, Thanh tra tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị quán triệt Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đến cán bộ công chức Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra sở, ngành, huyện, TP.
Triển khai quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023, Thông tư số 02/2023/TT-TTCP ngày 22/12/2023 của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh đã xây dựng Đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của Thanh tra tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định…
Với mục tiêu xây dựng lực lượng ngành ngày càng chính quy, chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra tỉnh Thái Bình đã chọn cử 7 lượt công chức dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ và 26 lượt cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng.
Phối hợp với UBND huyện Đông Hưng tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ cấp huyện và cấp xã được cấp tài khoản để báo cáo, tổng hợp, theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý, giải quyết KN, TC, hướng tới mục tiêu khai thác, vận hành, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KN, TC.
Ngoài ra, để tạo động lực cho cán bộ, công chức ngành Thanh tra nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, Thanh tra tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua năm 2024 trong toàn ngành thanh tra Thái Bình; đồng thời, ký kết Giao ước thi đua năm 2024 giữa Thanh tra 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành, đảm bảo mọi hoạt động của cơ quan được vận hành thông suốt, hiệu quả, Thanh tra tỉnh đã tiến hành quy trình sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức hoạt động đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh; quy trình nội bộ tiếp công dân, giải quyết KN, TC của cơ quan Thanh tra tỉnh; thực hiện công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính của cơ quan…; áp dụng triệt để mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công việc.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước và xây dựng lực lượng ngành, thời gian tới, Thanh tra tỉnh Thái Bình tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, KN, TC. Trong đó, chú trọng những lĩnh vực, địa bàn phát sinh nhiều đơn thư và có các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Tăng cường theo dõi, nắm tình hình địa bàn nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, cũng như tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn để nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC của các địa phương, đơn vị.
Đặc biệt, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC.
Quan tâm kiện toàn nhân sự, tổ chức bộ máy và chế độ đãi ngộ đối với bộ phận chuyên trách thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC; chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc tổng hợp, thống kê, chế độ báo cáo phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp.