Phố Wall đổ xô vào một cơ hội đầu tư nghìn tỷ USD không ai ngờ, thứ được cho là tài nguyên then chốt của thế kỷ 21
Những thương vụ đầu tư này đang làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Nằm trên sa mạc Sonoran, gần khu vực tiếp giáp hai tiểu bang Arizona và California, thị trấn nhỏ Cibola là nơi sinh sống của khoảng 300 người tuỳ theo mùa.
Cuộc sống ở đây hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào sông Colorado. Nguồn nước sông nuôi dưỡng những loại cây trồng như bông, cỏ linh lăng và nhiều loại động vật hoang dã. Du khách khi đến đây sẽ được chèo thuyền và tham gia nhiều hoạt động giải trí.
Cibola là một thị trấn không tên tuổi. Chính vì thế, nó càng khiến mọi người ngạc nhiên hơn khi công ty đầu tư Greenstone Management Partners mua gần 202 ha đất ở đây. Trên trang web, Greenstone cho biết “mục tiêu của họ là thúc đẩy các giao dịch kinh doanh nước có lợi cho cả cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân”.
Nhưng các nhà phê bình đang cáo buộc công ty này có mục đích trục lợi từ nguồn tài nguyên quý giá và hiếm hoi nhất của Cibola. Đó chính là nước. Công ty này đến vào đúng thời điểm nước sông Colorado giảm do trận siêu hạn hán kéo dài cả thập kỷ.
Bà Holly Irwin, một cư dân Cibola, cho biết: “Các công ty này không mua đất vì họ muốn canh tác ở đây và trở thành một phần của cộng đồng. Họ mua đất vì quyền sử dụng nước”.
Nước từ sông Colorado được dùng để tưới cho cây trồng ở Cibola, Arizona. Ảnh: CNN
Quyền sử dụng nước có thể sớm mang lại lợi ích cho Queen Creek, vùng ngoại ô thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona. Tháng 9/2022, thị trấn đã phê duyệt thương vụ mua 27 triệu USD nước sông Colorado từ các cơ sở của Greenstone tại Cibola. Thoả thuận này hiện đang vướng vào một vụ kiện. Các hạt La Paz, Mohave và Yuma đã kiện Cục Khai hoang Liên bang vì đã ký duyệt chuyển nhượng quyền sở hữu nước.
Phản hồi lại cáo buộc trên, các luật sư của Bộ Tư pháp cho biết Cục Khai hoang đã chứng minh được rằng việc vận chuyển nước sẽ không có tác động lớn đối với môi trường.
Bà Irwin nói: “Chúng tôi đang trải qua một đợt hạn hán khắc nghiệt. Cộng đồng của chúng tôi cần nguồn nước này. Vào lúc nào đó, tiểu bang có trách nhiệm bảo vệ những người dân ở đây, cũng như nguồn nước của chúng tôi. Họ không thể nào phục vụ cho những người mua bất động sản để đổi lấy quyền sử dụng nước nhằm kiếm hàng triệu USD mang về cho các khu vực đô thị”.
Luật sư Grady Gammage đại diện Greenstone cho biết đề xuất của công ty đã được Cục Tài nguyên Nước Arizona phê duyệt. “Quyền sử dụng nước là tài sản có giá trị, có thể chuyển nhượng được. Việc này giống như mua và bán đất. Song, việc chuyển nhượng nước sông Colorado cần được xem xét kỹ lưỡng ở cấp tiểu bang và liên bang”, vị luật sư cho biết.
Sông Colorado ở Mohave Valley, Arizona. Ảnh: CNN
Ở hạt Mohave lân cận, giám sát viên Travis Lingenfelter cho rằng cộng đồng nơi đây đang đối mặt với “cuộc chiến vì tương lai”.
Ông cho biết các công ty đang mua đất nông nghiệp giá rẻ, nắm giữ một thời gian sau đó bán nước trên những mảnh đất này. “Tôi nghĩ họ không nên trục lợi từ các nguồn tài nguyên hữu hạn của Arizona”, ông nói.
Không chỉ ở Arizona, các công ty Bờ Đông đã mua hàng nghìn ha đất tưới tiêu khắp khu vực Tây Nam. Công ty đầu tư Water Asset Management có trụ sở tại New York, đã trở thành một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Matt Diserio của Water Asset Management đã gọi nguồn nước ở Mỹ là “thị trường nghìn tỷ USD”. Ông tin rằng nước sạch là nguồn tài nguyên quyết định ở thế kỷ này, giống như dầu mỏ ở thế kỷ trước.
Tổng giám đốc Andy Mueller của cơ quan Colorado River Water Conservation District không đồng tình với ý kiến trên. Ông cho rằng các công ty là “những kẻ trục lợi trong hạn hán”.
Water Asset Management sở hữu ít nhất hơn 1200 ha đất ở Grand Valley, Colorado. Ông Mueller cho biết rất khó để có thể theo dõi quy mô đất đai công ty sở hữu, vì họ sử dụng các tên khác nhau để che giấu quyền sở hữu.
Bông trồng ở Cibola, Arizona. Anhr: CNN
Kerry Donovan, một chủ trang trại ở Eagle County, Colorado, bày tỏ nỗi lo lắng khi các công ty đầu tư vào bất động sản ở địa phương mà không làm gì cả. Cô cho biết: “Những công ty này không có đam mê trồng trọt mà có đam mê kiếm tiền”.
Donovan hiện đang vận hành trang trại chăn nuôi gia súc rộng hơn 160 ha. Giống như những nông dân và chủ trang trại khác trong tiểu bang, cô lo lắng rằng các công ty Phố Wall sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai của họ.
Donovan nói thêm: “Một ngày nào đó các công ty sẽ đem nước đi bán, đồng nghĩa với việc đất không thể phục vụ sản xuất nông nghiệp được nữa. Và họ sẽ bán khi chúng tôi có ít nước nhất cũng là lúc nước có giá trị nhất”.
Tham khảo CNN