Chiếm 27% thị phần thế giới, mặt hàng này của Nga vẫn lặng lẽ chảy vào châu Âu, kiếm hàng tỷ đô la khiến các nước phương Tây 'bất lực'
Việc nhập khẩu từ Nga vẫn diễn ra mặc cho nhiều nước liên tục kêu gọi trừng phạt.
Việc nhập khẩu kim cương thô của Nga không bị EU trừng phạt, mặc dù Ukraine và một số nước EU liên tục kêu gọi đàn áp ngành công nghiệp xa xỉ này.
Nhập khẩu đã giảm đáng kể trong quý 3 năm ngoái. Điều này đã giúp Bỉ phản đối việc EU trừng phạt kim cương của Nga, vốn rất quan trọng đối với thành phố Antwerp của Bỉ, một trung tâm giao dịch kim cương toàn cầu.
Chính phủ Bỉ lập luận rằng các biện pháp trừng phạt như vậy sẽ chỉ chuyển hướng xuất khẩu kim cương của Nga sang các nước khác mà không thực sự gây ra thiệt hại kinh tế cho Moscow. Các nhà ngoại giao Bỉ cũng chỉ ra rằng nhập khẩu kim cương Nga đang giảm ngay cả khi không có lệnh trừng phạt, do áp lực của công chúng và nhận thức của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhập khẩu vào Bỉ đã tăng trở lại vào tháng 12 và tháng 1 trước Ngày lễ tình nhân 14/2. Vào tháng 1/2023, Bỉ đã nhập khẩu 132 triệu euro kim cương thôcủa Nga, cao hơn mức 97 triệu euro vào tháng 1/2022. mặc dù tỷ trọng nhập khẩu thấp hơn vào năm 2023.
Nhiều chuyên gia Bỉ tin rằng điều này có vẻ như là một đợt tăng đột biến tạm thời liên quan đến nhu cầu cao hơn vào dịp Lễ tình nhân. Vào tháng 2, giá trị nhập khẩu lại giảm xuống còn 61 triệu euro.
Đối với nghị sĩ Bỉ Vicky Reynaert cho biết: "Lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga là lựa chọn đúng đắn duy nhất". Bà kêu gọi Ủy ban châu Âu đưa lệnh cấm này vào gói trừng phạt tiếp theo đối với Nga.
Tập đoàn kim cương Nga Alrosa chiếm 27% thị phần thế giới và 95% sản lượng khai thác kim cương của Nga.
EU hiện đang làm việc trong G7 về một hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn cầu đối với kim cương, mà trước đây Bỉ đã yêu cầu. Các nhà lãnh đạo G7 hôm 24/2 cho biết họ cam kết sẽ "làm việc tập thể để có thêm các biện pháp mạnh tay hơn đối với kim cương của Nga, bao gồm cả kim cương thô và kim cương đã đánh bóng".
Bộ Ngoại giao Mỹ và Ủy ban châu Âu đã có thảo luận với lãnh đạo các doanh nghiệp kim cương về cách tước đi thu nhập từ việc bán đá quý của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
"Nga tiếp tục kiếm được hàng tỷ đô la từ việc buôn bán kim cương và cuộc bàn thảo tập trung vào những cách hiệu quả nhất để làm gián đoạn dòng thu nhập này", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Dmitry Golubovsky, nhà phân tích tại Golden Mint House, bày tỏ quan điểm trong mọi trường hợp sẽ khó có thể chặn đường kim cương Nga chảy ra thị trường thế giới.
"Thị phần của Nga trong sản xuất kim cương thế giới ước tính khoảng 27%. Không thể loại bỏ tay chơi như vậy khỏi thị trường, chẳng hạn như loại bỏ dầu của Nga khỏi thị trường thế giới, mặc dù thị phần của Nga trong sản lượng dầu thế giới ít hơn so với sản xuất kim cương", nhà phân tích giải thích.
Tham khảo: Politico