Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Vết thương tâm lý của người sống sót
Một tháng đã trôi qua kể từ khi xảy ra trận động đất độ lớn 7,8, nhưng ở thành phố Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi gần tâm chấn, những người sống sót vẫn bị ám ánh bởi thảm kịch kinh hoàng.
Ông Abdullah Senel từng là người có thần kinh thép, nhưng đó là trước thảm họa động đất kinh hoàng ngày 6/2. Giờ đây, ông thấy bất an ngay cả khi ở trong nhà, chỉ tiếng máy bay bay qua cũng khiến ông giật mình.
Cựu vận động viên cử tạ 57 tuổi chia sẻ: “Trước đây, tôi chẳng sợ gì. Nhưng bây giờ, chỉ một tiếng động cũng khiến tôi hoảng hốt... Tất cả, kể cả tiếng động cơ máy bay, đều gợi nhắc về trận động đất."
Một tháng đã trôi qua kể từ khi xảy ra trận động đất độ lớn 7,8, nhưng ở thành phố Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi gần tâm chấn, những người sống sót như ông Abdullah Senel vẫn bị ám ánh bởi thảm kịch.
Dõi theo những chiếc máy hạng nặng chậm rãi dọn dẹp đống đổ nát sau động đất, anh Adem Serin vẫn như nhìn thấy cảnh tượng đã xảy ra khi động đất rung chuyển thành phố.
Anh kể lại: “Đã một tháng trôi qua, nhưng với tôi, chuyện như mới ngày hôm qua. Chúng tôi chưa thể vượt qua cú sốc đó. Khi động đất xảy ra, tôi đang ở tầng 11 của tòa nhà."
Theo nhà chức trách, gần 2 triệu người mất nhà cửa sau động đất, giờ tạm sống trong lều bạt, nhà container, các khu nhà nghỉ, ký túc xá ở trong và ngoài khu vực.
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều người không có chỗ ở, phải qua đêm trong những ngôi nhà bị tàn phá nặng nề, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ sập nhà.
“Chúng tôi rất sợ. Nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác," anh Solmaz Tugacar chia sẻ sau khi không thể tìm được lều tạm trú ở khu vực quảng trường chính, nơi những người sống sót xếp thành hàng dài đợi nhận thực phẩm và nước uống.
Còn trong những chiếc lều được bố trí sát nhau trong các không gian nhỏ, có cả người già, trẻ nhỏ, điều kiện sống tạm ổn khi thời tiết đẹp, nhưng không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu trời mưa.
Hiện tại, công việc dọn dẹp những đống đổ nát ngổn ngang ở vùng ảnh hưởng đang được các lực lượng từ khắp Thổ Nhĩ Kỳ tập trung giải quyết.
Bụi bốc lên, theo gió bay đi khắp nơi, tạo nên những đám mây bụi màu xám có thể nhìn thấy từ rất xa, giảm tầm nhìn của khu vực vốn nằm giữa những dãy núi cao.
Ông Eren Genc thuộc cơ quan bảo vệ rừng của tỉnh Sivas, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết mỗi ngày ở đây xử lý khoảng 200 đến 250 tấn rác và đất đá, yêu cầu đặt ra là phải không làm ảnh hưởng đến môi trường và gây bụi bẩn.
Trong một báo cáo hôm 27/2, Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá động đất đã gây ra thiệt hại vật chất trực tiếp 34,2 tỷ USD ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có ít nhất 45.000 người thiệt mạng do thảm họa này./.