Krông Nô "cất cánh" từ vùng đất thuần nông đến điểm sáng nông thôn mới
Từ một huyện thuần nông với nhiều khó khăn, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã có bước chuyển mình ấn tượng, vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của tỉnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) toàn diện. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao…
Người dân Krông Nô tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động xây dựng đường giao thông nông thôn, thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm trong công cuộc kiến thiết quê hương. Ảnh: Trần Hồng Vân
Sức mạnh nội tại từ cộng đồng
Điểm mấu chốt trong hành trình xây dựng NTM đầy khởi sắc của Krông Nô chính là việc huyện đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân. Thay vì áp đặt từ trên xuống, chính quyền địa phương đã thực sự lắng nghe tiếng nói của dân. Các cuộc họp dân được tổ chức rộng rãi ở cấp xã, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia lựa chọn các nội dung, đề xuất nhu cầu và giám sát các công trình NTM.
Cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND của tỉnh đã mở ra một hướng đi mới, cho phép người dân tham gia sâu hơn vào quá trình lập hồ sơ và tổ chức thi công các công trình. Sự minh bạch trong huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn đóng góp từ cộng đồng đã tạo được sự đồng thuận cao, củng cố niềm tin của người dân vào chương trình.
Những bao lúa thu hoạch tại huyện Krông Nô, nơi các hợp tác xã đang nỗ lực sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao giá trị nông sản địa phương. Ảnh: Trần Hồng Vân
Công tác tuyên truyền, vận động cũng được huyện Krông Nô đặc biệt chú trọng. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, cuộc vận động và các phong trào thi đua, nhận thức và tinh thần tự nguyện tham gia xây dựng NTM của người dân ngày càng được nâng cao.
Chia sẻ về những thành quả đạt được, ông Ngô Xuân Hà, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô nhấn mạnh vai trò của công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sự quán triệt nội dung thực hiện và đặc biệt là việc huy động sức mạnh tập thể, sự đóng góp từ chính người dân.
"Chúng tôi luôn quán triệt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Chính nhờ đó, người dân đã tích cực hưởng ứng, đóng góp tiền của, ngày công lao động, thậm chí hiến đất để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ công trình, vật kiến trúc để nhường đất cho những con đường giao thông nông thôn thêm rộng mở”, ông Hà khẳng định.
Những cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực luôn được địa phương kịp thời biểu dương, đề nghị cấp trên khen thưởng, tạo động lực lan tỏa phong trào chung tay xây dựng NTM trong cộng đồng.
Những giàn dưa lưới xanh mướt được chăm sóc tỉ mỉ trong nhà màng công nghệ cao tại một trang trại ở huyện Krông Nô, minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp địa phương. Ảnh: Trần Hồng Vân
Kinh tế nông thôn khởi sắc
Không chỉ thay đổi về diện mạo, kinh tế nông thôn ở Krông Nô cũng chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ. Huyện đã chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai hiệu quả chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), phát triển các ngành nghề nông thôn và du lịch nông thôn.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đã đạt 58,1 triệu đồng/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 44%. Chỉ riêng trong năm 2024, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 2.000 lao động, hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm cho 242 người và đào tạo nghề cho 352 học viên. Những con số ấn tượng này cho thấy sự nâng lên rõ rệt về đời sống vật chất và chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn.
Huyện đã tích cực hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất lúa gạo, cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng các vùng sản xuất cà phê, ngô ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân.
Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ở Krông Nô ngày càng được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: Trần Hồng Vân
Chương trình OCOP đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ với 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao. Các hợp tác xã nông nghiệp không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, với tổng số 31 HTX trên toàn huyện, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Điển hình là mô hình hợp tác xã đông trùng hạ thảo Rồng Vàng ở xã Nam Đà. Từ ý tưởng khởi nghiệp của anh Nguyễn Thanh Toàn (SN 1993), vượt qua những khó khăn ban đầu, anh đã xây dựng thành công mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, tự chủ nguồn phôi giống và phát triển đa dạng sản phẩm. Năm 2021, HTX Rồng Vàng ra đời, liên kết 10 thành viên cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưới thương hiệu chung. Đến nay, sản phẩm sấy thăng hoa của HTX đã đạt OCOP 3 sao, mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng cho nông nghiệp địa phương và thu hút nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi. Anh Toàn đang ấp ủ kế hoạch tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm từ loại nấm dược liệu quý giá này.
Mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của HTX Rồng Vàng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ tại Krông Nô. Ảnh: Trần Hồng Vân
Song song với phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội luôn được huyện Krông Nô đặc biệt quan tâm. Nhiều giải pháp hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm và đa dạng hóa sinh kế đã được triển khai, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,72%.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô khẳng định, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã mang lại những thay đổi tích cực và toàn diện cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, huyện Krông Nô cũng xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 để tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng NTM.
Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, bảo vệ môi trường và tăng cường quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Huyện cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể như có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 65 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 2% và tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%.
Với những thành quả đã đạt được và định hướng phát triển rõ ràng, huyện Krông Nô đang viết tiếp câu chuyện "cất cánh" đầy ấn tượng của mình, nỗ lực không ngừng để xây dựng một diện mạo nông thôn mới ngày càng phát triển và bền vững.
Năm 2024, các xã trên địa bàn huyện Krông Nô đã đầu tư xây dựng mới 17 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 11km, tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng, với sự đóng góp không nhỏ của người dân.
Hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới cho 81% diện tích cây trồng. Mạng lưới điện phủ rộng khắp, với 99,8% số hộ được sử dụng điện và 100% thôn, buôn, bon có điện lưới quốc gia. Cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu dạy và học, sinh hoạt văn hóa của người dân. 100% số xã có trạm y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%.