TP Hồ Chí Minh: 50 năm đổi mới, vươn mình, vững bước phát triển
Từ một đô thị đổ nát sau chiến tranh, TP Hồ Chí Minh đã trải qua hành trình 50 năm không ngừng đổi mới, vượt qua khó khăn để khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - tài chính đầu tàu của cả nước. Trong hành trình ấy, TP luôn tiên phong cải cách, mạnh dạn “xé rào”, mở đường cho những mô hình đột phá, trở thành hình mẫu năng động, sáng tạo trong công cuộc phát triển đất nước.
Từ tro tàn chiến tranh đến nền tảng đổi mới
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”, diễn ra vào giữa tháng 4 đặc biệt ý nghĩa vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ, cách đây 50 năm, ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi; đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
“Đó là ngày non sông thu về một mối, Tổ quốc hòa bình, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng này là kết tinh của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất, là khát vọng cháy bỏng của toàn dân, toàn Đảng, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói và nhấn mạnh thời gian càng lùi xa, ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 càng tỏa sáng.
TP Hồ Chí Minh tươi đẹp hôm nay |
Có thể nói, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh - đô thị từng mang tên Sài Gòn hoa lệ - phải đối mặt với hàng loạt thách thức: Thất nghiệp tràn lan, sản xuất đình trệ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, tệ nạn xã hội gia tăng… Chính quyền cách mạng non trẻ buộc phải triển khai nhiều giải pháp cấp bách để ổn định tình hình, tổ chức lại sản xuất và phục hồi đời sống Nhân dân.
Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, trong hai năm đầu sau giải phóng, TP đã từng bước ổn định trật tự, ban hành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ Nhất (4/1977), xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh. Nghị quyết này là kim chỉ nam để TP chuyển từ tình trạng ứng phó sang giai đoạn xây dựng dài hạn.
Mặt khác, khi bước vào cuối thập niên 1970, trong bối cảnh cả nước còn vận hành theo mô hình kinh tế bao cấp, TP Hồ Chí Minh đã sớm đi đầu thử nghiệm những cải cách “xé rào” để tự cứu lấy nền sản xuất. Các mô hình “khoán sản phẩm”, “khoán gọn” được thử nghiệm đầu tiên tại thành phố, bên cạnh các sáng kiến thu mua lương thực linh hoạt - như mô hình gạo cô Ba Thi nổi tiếng.
Người dân háo hức đón chào kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước |
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, lúc bấy giờ TP đã huy động 10.000 thanh niên ra quân hỗ trợ các địa phương phục hồi sản xuất. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ (sau này là Thủ tướng Chính phủ) đã chỉ đạo cả hệ thống phải cùng hỗ trợ Thành đoàn. Không có xe, bộ đội cũng phải lo cho bằng được.
Chính sự quyết liệt và đồng lòng từ lãnh đạo đến người dân đã giúp TP vượt qua giai đoạn đầy thử thách ấy, từ đó đặt nền móng cho sự phát triển sau này.
Còn PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định: “Chính tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt qua cơ chế cứng nhắc đã giúp TP giữ được nhịp sống kinh tế, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới cả nước năm 1986”.
TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) |
Tiên phong cải cách
Khi cả nước chính thức bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, TP Hồ Chí Minh đã có sẵn nền tảng kinh tế năng động. Từ giai đoạn này đến năm 2010, TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhờ mạnh dạn cải cách. GRDP TP tăng bình quân trên 10,5%/năm - cao hơn mức tăng trưởng của cả nước và gấp gần 4 lần so với 10 năm trước đó.
TP cũng là nơi thí điểm hàng loạt chính sách cải cách về tài chính, thương mại, đầu tư, đất đai… góp phần hình thành mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TƯ năm 2002, TP Hồ Chí Minh càng phát huy vai trò đầu tàu, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 10 - 11%/năm trong một thập kỷ.
Đến năm 2020, quy mô kinh tế TP tăng gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010.
Đặc biệt, năm 2005, TP Hồ Chí Minh được phong tặng danh hiệu "TP anh hùng". Sự công nhận một lần nữa đã khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của TP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi bước vào giai đoạn phát triển mới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần năng động, sáng tạo để giữ vững vai trò là động lực tăng trưởng của cả nước.
TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tạo ra các động lực tăng trưởng mới để phát triển nhanh và bền vững hơn. TP cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới mô hình tăng trưởng để thích ứng với xu thế phát triển toàn cầu…
Định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế
TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có đủ cơ sở để tin tưởng vào khả năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế, với 4 lợi thế nổi bật đã được tân Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được chỉ ra tại sự kiện Hội nghị xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua.
Cụ thể, theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, TP có nền kinh tế năng động, có độ mở cao và hội nhập sâu rộng với thế giới. Với dân số gần 10 triệu người, TP hiện đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và khoảng 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu. Những con số này không chỉ thể hiện sức mạnh kinh tế nội tại mà còn phản ánh vai trò trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước.
TP Hồ Chí Minh từ lâu đã là trung tâm thương mại - tài chính lớn nhất của Việt Nam. TP là nơi đặt trụ sở chính của hàng trăm ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hệ sinh thái tài chính của TP đang không ngừng hoàn thiện với các thiết kế cơ bản cho một thị trường tài chính hiện đại, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán số, công nghệ tài chính (Fintech), và các ứng dụng tài chính thông minh phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Về vị trí địa lý, TP Hồ Chí Minh có lợi thế địa chiến lược quan trọng khi nằm trong tâm điểm kết nối các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Thượng Hải, Tokyo, Bangkok. Đây là điều kiện thuận lợi để TP tích hợp vào mạng lưới tài chính khu vực và toàn cầu, qua đó thu hút các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư quốc tế đến hoạt động và đóng góp vào sự phát triển chung.
Quan trọng hơn hết là yếu tố quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng. Từ Trung ương đến địa phương, chúng ta đã xác lập mục tiêu phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế với tầm nhìn dài hạn.
TP đang chủ động hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số và nền tảng công nghệ để tạo điều kiện cho hệ sinh thái tài chính phát triển minh bạch, hiệu quả, an toàn và bền vững.
Vươn mình trong kỷ nguyên mới
Với khát vọng phát triển và tinh thần sáng tạo không ngừng, TP Hồ Chí Minh đang bước vào kỷ nguyên mới với mô hình tăng trưởng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, đặt trọng tâm vào kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và công nghệ cao. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định đổi mới mô hình tăng trưởng là mũi nhọn để vươn lên mạnh mẽ và bền vững”.
TP Hồ Chí Minh cũng là nơi được Trung ương dành nhiều cơ chế đặc thù nhất. Cụ thể, trong vòng 40 năm, có 4 nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về TP Hồ Chí Minh. Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm để TP tiếp tục dẫn đầu kinh tế... Đến đầu năm 2025, TP có khoảng 230.000 doanh nghiệp tư nhân và 400.000 hộ kinh doanh cá thể. Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế và nâng cao vai trò kinh tế tư nhân đang mở ra triển vọng lớn, thu hút thêm nhiều “đại bàng” trong và ngoài nước.
“Sắp tới, để phát triển bền vững, TP cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền Trung ương, TP cố gắng đề xuất tháo gỡ 50%. Còn với những nội dung thuộc thẩm quyền thành phố, chúng tôi phấn đấu xử lý 100%”, ông Nguyễn Văn Được cho biết thêm.
Trong khi đó, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng lịch sử và giá trị thiêng liêng của hòa bình; mãi mãi biết ơn bao thế hệ tiền nhân đã cống hiến, hy sinh, góp phần xương máu của mình, viết nên thiên anh hùng ca bất hủ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nên, kế thừa và tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực kiên cường, bền bỉ vì cả nước, cùng cả nước, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần thực hiện các nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“TP Hồ Chí Minh đã và đang tập trung triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ đột phá chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Hiện TP Hồ Chí Minh cũng tập trung nỗ lực với quyết tâm cao nhất để đến 2030 trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có vị trí nổi trội ở khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến 2045 trở thành đô thị phát triển ngang tầm các TP lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn trên toàn cầu; kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển đặc sắc, bền vững, có chất lượng sống cao, hội nhập kinh tế sâu rộng.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu - đào tạo chất lượng cao… là chiến lược dài hạn giúp TP không chỉ duy trì vai trò đầu tàu mà còn từng bước hội nhập khu vực và thế giới.
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: “TP Hồ Chí Minh là hình mẫu tiêu biểu cho tinh thần “đoàn kết - chủ động - sáng tạo - đột phá”. Tinh thần ấy chính là hành trang quý báu để TP tiếp tục tỏa sáng trong chặng đường 50 năm sắp tới”.