A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trao sinh kế giúp thoát nghèo bền vững ở Cao Bằng

Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án tạo sinh kế cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

Phát huy thế mạnh chăn nuôi bò, tỉnh Cao Bằng hỗ trợ kỹ thuật, vốn ưu đãi giúp bà con phát triển nuôi bò vỗ béo thành hàng hóa.
Phát huy thế mạnh chăn nuôi bò, tỉnh Cao Bằng hỗ trợ kỹ thuật, vốn ưu đãi giúp bà con phát triển nuôi bò vỗ béo thành hàng hóa.

“Đòn bẩy” khuyến khích người dân chủ động vươn lên

Là tỉnh miền núi phía Đông Bắc Tổ quốc, địa hình đồi núi chia cắt, nhiều bản làng ở Cao Bằng còn gặp khó khăn về hạ tầng, giao thông, sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Trước thực tế đó, việc tạo sinh kế, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đã được tỉnh xác định là giải pháp căn cơ để thúc đẩy giảm nghèo từ gốc.

Một trong những chương trình trọng điểm là Dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Dự án đã mở ra cơ hội để hàng nghìn hộ nghèo có điều kiện tiếp cận vốn, con giống, khoa học kỹ thuật, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập.

Gia đình chị Hoàng Thị Hòe ở xóm Bo Nặm, xã Đình Phong, là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ trâu sinh sản từ chương trình. Với nguồn lực ít ỏi chỉ trông vào mấy sào ruộng nương, cuộc sống gia đình chị Hòe trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng từ năm 2023, khi được trao tặng con trâu sinh sản, chị bắt đầu thay đổi tư duy phát triển kinh tế. Chị xây dựng chuồng trại kiên cố, chủ động phối hợp với cán bộ thú y chăm sóc và tiêm phòng cho vật nuôi.

“Nhờ được Nhà nước hỗ trợ trâu, gia đình tôi có thêm hy vọng. Tôi cố gắng chăm sóc thật tốt để phát triển đàn trâu, từ đó thoát nghèo”, chị Hòe chia sẻ.

ho-tro-trau-sinh-san-cao-bang.jpg

Gia đình chị Hoàng Thị Hòe - một trong những hộ nghèo được hỗ trợ trâu sinh sản.

Tương tự, gia đình anh Lục Văn Dương, xóm Bình Minh, xã Thanh Long, cũng được trao tặng bò cái sinh sản từ nguồn vốn của chương trình. Anh Dương xác định rõ: “Phải chăm tốt thì bò mới sinh sản, mới có đàn để phát triển lâu dài”. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật bài bản, sau một thời gian, con giống đã thích nghi tốt với điều kiện địa phương và đang sinh trưởng khỏe mạnh.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ chăn nuôi, gia đình anh Dương còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm. Cùng với sự góp sức của gia đình, cộng đồng, anh đã xây dựng được căn nhà mới khang trang, ổn định cuộc sống.

“Tôi biết ơn sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và quyết tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững”, anh Dương nói.

Những con số “biết nói”

Theo UBND tỉnh Cao Bằng, trong năm 2024, toàn tỉnh đã triển khai 213 dự án đa dạng hóa sinh kế, trong đó có 10 dự án hỗ trợ theo chuỗi liên kết giá trị, 203 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với 18.774 hộ dân tham gia, tổng kinh phí gần 138 tỷ đồng.

Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi… đồng thời được tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, cung cấp máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất. Nhiều mô hình khuyến nông phù hợp với điều kiện vùng cao đã giúp các hộ nghèo có thêm thu nhập, tạo ra sinh kế ổn định.

Một điểm nhấn đáng chú ý là việc tỉnh phát huy vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị – từ trồng trọt, chăn nuôi đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đây là cách làm hiệu quả giúp hộ nghèo không chỉ sản xuất giỏi mà còn bán được hàng, tiếp cận thị trường rộng hơn.

ho-tro-trau-sinh-san-cao-bang-a-duong.jpg

Gia đình anh Lục Văn Dương, xóm Bình Minh, xã Thanh Long, được hỗ trợ bò cái sinh sản để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng được triển khai mạnh mẽ. Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5.021 tỷ đồng, tăng 353 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo có vốn đầu tư sản xuất, từng bước ổn định đời sống.

Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng, khẳng định: “Nguồn vốn chính sách không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn tạo động lực để họ tự tin vươn lên, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương”.

Hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ sinh kế được thể hiện rõ qua kết quả giảm nghèo hàng năm. Năm 2021, toàn tỉnh có 5.043 hộ thoát nghèo (giảm 4,03%); năm 2022 giảm thêm 5.969 hộ (tỷ lệ 4,29%); năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,23% và năm 2024 giảm 4,67%.

Những con số này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng trong việc hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Giảm nghèo không chỉ là chỉ tiêu kinh tế - xã hội, mà còn là câu chuyện của lòng người, của sự sẻ chia, lan tỏa nhân ái. Từ những con trâu, con bò sinh sản, từ những buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, những căn nhà mới thay thế nhà tạm… đã dần hình thành nên hành trình đổi thay, mang lại cuộc sống no ấm cho biết bao hộ nghèo nơi miền sơn cước Cao Bằng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm