“Giải phóng tư duy” để vươn mình bứt phá
Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, kinh tế số bùng nổ và chuyển đổi số trở thành dòng chảy chính của thời đại, khởi nghiệp, lập nghiệp không còn là hành trình đơn thuần của cá nhân. Với thế hệ trẻ, đó là câu chuyện của bản lĩnh, sáng tạo, đặc biệt là sự “giải phóng tư duy” - điều kiện tiên quyết để dấn thân và bứt phá.
Tư duy cũ - rào cản vô hình trên hành trình khởi nghiệp
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, chuyển đổi số lan tỏa tới mọi lĩnh vực, khởi nghiệp và lập nghiệp đã vượt khỏi khuôn khổ của một lựa chọn nghề nghiệp. Với thế hệ trẻ, đây là hành trình mang theo khát vọng khẳng định bản thân, đổi mới sáng tạo và đóng góp cho cộng đồng nhưng để thật sự cất cánh, điều đầu tiên người trẻ cần chính là giải phóng tư duy, vượt khỏi những khuôn mẫu cũ, thoát khỏi nỗi sợ thất bại, chấp nhận thử nghiệm và đón nhận rủi ro như một phần tất yếu của thành công.
Thực tế cho thấy, không ít bạn trẻ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn hoặc trong các ngành nghề truyền thống, vẫn bị ràng buộc bởi tư duy an toàn. “Học xong là đi làm, làm Nhà nước càng tốt, có việc ổn định là an tâm”, lối suy nghĩ ấy không sai nhưng có thể trở thành chiếc kén vô hình khiến nhiều người e ngại thay đổi, ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Các bạn trẻ được trao giải cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7 |
Bạn Nguyễn Minh Thư (24 tuổi, quê ở Bắc Giang), cử nhân ngành kế toán, từng đối diện với cảm giác đó. “Ra trường, mình chỉ mong tìm được một công việc văn phòng ổn định nhưng sau hơn một năm gắn bó với công việc 8 tiếng/ngày trong bốn bức tường, mình thấy ngột ngạt, bế tắc. Muốn thay đổi nhưng mình rất sợ, nào là sợ không đủ giỏi, sợ bị phản đối, sợ không có vốn…”, Thư trải lòng.
Nỗi sợ của Minh Thư không phải là cá biệt. Rất nhiều người trẻ từng chùn bước trước quyết định dấn thân, bởi họ chưa “giải phóng” được mình khỏi tư duy cũ, coi khởi nghiệp là việc quá lớn, chỉ dành cho người xuất sắc hoặc có điều kiện.
Thực chất, “giải phóng tư duy” không có nghĩa là gạt bỏ các giá trị cũ, mà là tái cấu trúc lại cách nghĩ, cách nhìn, để phù hợp hơn với thời đại số. Đó là khi người trẻ dám nghĩ khác, làm khác, chấp nhận “thử - sai - học - sửa” để vươn tới những giới hạn mới.
Khi đam mê, khát vọng bùng cháy…
Trong hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn khởi nghiệp từ đam mê, từ các vấn đề cộng đồng, hoặc từ chính giá trị văn hóa bản địa.
Bạn trẻ Trần Văn Lực, sinh viên năm cuối ngành Khoa học máy tính (Đại học Bách khoa Hà Nội), là một điển hình tiêu biểu. Tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7, Lực đã khiến nhiều người ấn tượng bởi hành trình biến đam mê thành doanh nghiệp.
Ngay từ năm nhất, Lực và nhóm bạn đã tích cực tham gia các câu lạc bộ nghiên cứu, các phòng thí nghiệm sáng tạo trong trường. Họ bắt tay thực hiện dự án “Hệ thống giám sát và duy trì độ tỉnh táo cho tài xế bằng công nghệ sóng não”, nhằm giải quyết một vấn đề nhức nhối trong giao thông. Đến tháng 10/2024, họ thành lập doanh nghiệp và gọi vốn thành công.
“Từ một sinh viên tỉnh lẻ còn lạ lẫm với đô thị, mình đã dần trưởng thành để trở thành CEO một công ty khởi nghiệp. Điều thay đổi lớn nhất chính là tư duy dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi và nắm bắt cơ hội và không có giới hạn nào cho những người dám ước mơ”, Lực nói.
Câu nói “Khởi nghiệp ở tuổi 20, 21 - tại sao không?” của Lực như một tuyên ngôn cho thế hệ trẻ hôm nay tự tin, năng động và luôn sẵn sàng viết lại câu chuyện của chính mình.
Chị Trần Thùy Nhi khởi nghiệp thành công với sản phẩm truyền thống |
Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo còn được thể hiện rõ nét trong việc làm mới các ngành nghề truyền thống. Với chị Trần Thùy Nhi (ở Kim Sơn, Ninh Bình), đan cói không phải là nghề hết thời, mà là gốc rễ để phát triển một thương hiệu toàn cầu.
Xuất phát từ tình yêu với sản phẩm thủ công quê hương, chị Nhi đã dấn thân khởi nghiệp khi nhiều người còn nghi ngại. “Mọi người nói nghề cói lạc hậu rồi, không thể thành công. Mình lại nghĩ: Tại sao không thử làm khác?”, chị Nhi chia sẻ.
Không đi theo lối mòn, cô gái trẻ tập trung nghiên cứu thị trường, sáng tạo mẫu mã, kết hợp thủ công với máy móc hiện đại để tạo ra các sản phẩm tinh xảo từ cói – như túi thời trang, nội thất trang trí, mũ, giỏ xách… Những sản phẩm độc đáo này hiện được xuất khẩu sang nhiều nước, mang lại doanh thu gần 30 tỷ đồng/năm.
Không chỉ vậy, mô hình khởi nghiệp của chị còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, một minh chứng cho việc làm kinh tế đi đôi với giữ gìn văn hóa làng nghề và phát triển cộng đồng bền vững.
Hệ sinh thái khởi nghiệp - bệ phóng cho người trẻ bứt phá
Tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), anh Lê Thanh Đán đã thành công khi biến vẻ đẹp núi rừng và văn hóa Cơ Tu thành sản phẩm du lịch độc đáo. Từ mô hình homestay và lều trại sinh thái, mỗi tháng khu du lịch của anh đón khoảng 400 lượt khách, chủ yếu là giới trẻ và gia đình đô thị tìm về trải nghiệm cuộc sống bản địa.
Điểm nổi bật của mô hình này là sự kết hợp giữa nghỉ dưỡng, cắm trại và trải nghiệm văn hóa, từ ẩm thực, nghề truyền thống, đến các hoạt động nghệ thuật dân gian của người Cơ Tu. Không chỉ làm du lịch, anh Đán còn tạo sinh kế cho hàng chục lao động địa phương tham gia nấu ăn, dẫn tour đến biểu diễn văn nghệ. “Thời gian tới, tôi sẽ mở thêm dịch vụ trải nghiệm văn hóa sâu hơn, để du khách thật sự sống trong không gian văn hóa địa phương”, anh chia sẻ.
Thanh niên Thủ đô với các sản phẩm OCOP, mô hình khởi nghiệp |
Hành trình khởi nghiệp của anh Đán cũng như các bạn trẻ không chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân. Những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang được xây dựng mạnh mẽ với sự tham gia của các bộ, ngành, doanh nghiệp, trường đại học và tổ chức hỗ trợ.
Đặc biệt, các chương trình do Trung ương Đoàn phát động như: Thanh niên khởi nghiệp, Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… đã trở thành những sân chơi bổ ích, tạo nguồn lực và động lực cho người trẻ.
Tại Hà Nội, Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố đã tổ chức nhiều chương trình kết nối như: Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo, Hội chợ OCOP, Ngày hội quảng bá sản phẩm và kết nối đầu tư, cuộc thi sản phẩm đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Qua đó, hàng loạt dự án đã được hỗ trợ tiếp cận thị trường, kết nối nhà đầu tư và truyền thông.
Tuy nhiên, khởi nghiệp không bao giờ là con đường màu hồng. Những khó khăn về vốn, pháp lý, thị trường, nhân sự… vẫn luôn tồn tại nhưng điều khiến thế hệ Gen Z khác biệt chính là tư duy linh hoạt. Họ sẵn sàng “test nhanh - sửa nhanh”, không ngại bắt đầu nhỏ, không sợ bị chê, và luôn tìm cách tạo ra dấu ấn riêng.
Khởi nghiệp hôm nay không chỉ là chuyện kinh doanh, mà là câu chuyện về thay đổi tư duy, về cách một người trẻ nhìn thế giới và dấn thân với sứ mệnh của riêng mình. “Giải phóng tư duy” không chỉ giúp họ làm giàu cho bản thân, mà còn góp phần xây dựng cộng đồng, thúc đẩy kinh tế địa phương và lan tỏa những giá trị tích cực ra thế giới.
Bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu, nếu dám nghĩ khác và hành trình ấy bắt đầu từ một điều rất đơn giản: Tin rằng mình có thể làm điều gì đó có ý nghĩa, không chỉ cho mình mà còn cho xã hội.