A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Thủ đô: Tiếp tục duy trì đà phục hồi sau đại dịch

Tiếp tục duy trì đà phục hồi sau đại dịch Covid-19, Hà Nội đã và đang khẳng định là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tiếp tục duy trì đà phục hồi sau đại dịch Covid-19, Hà Nội đã và đang khẳng định là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước với những kết quả tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực trong 9 tháng năm 2022.

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao

Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ đầu năm đến nay hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ của thành phố tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực. 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn thành phố tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 4,1%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 512 nghìn tỷ đồng, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 9,69%.

1. Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi

Về thu hút đầu tư nước ngoài, lũy kế 9 tháng năm 2022, toàn thành phố thu hút 1,019 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đăng ký cấp mới 262 dự án với số vốn đạt 183 triệu USD (tăng 6,5% số dự án và tăng 12,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021); có 141 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 336 triệu USD (tăng 51,6% số dự án và giảm 31,8% số vốn đăng ký). Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 286 lượt với số vốn đạt 500 triệu USD, tăng 83,8%.

9 tháng qua, Hà Nội có gần 22.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký đạt 241.700 tỷ đồng, tăng 2%; có hơn 8.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 0,3%...

Đạt được kết quả trên, theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, là do sự nỗ lực, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố Hà Nội về phục hồi và phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã khắc phục được những khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III cho thấy có 36,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn quý II. Quý IV là thời điểm các doanh nghiệp công nghiệp đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu của người dân tăng cao dịp cuối năm. Hiện có 43,8% số doanh nghiệp nhận định xu hướng quý IV sẽ tiếp tục tốt hơn so với quý III; 45% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ 11,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao

2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao

Trong quý III/2022, Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố quý III tăng 17,7% so với quý trước, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước địa phương quản lý quý III tăng 12,9% và 38,5%.

Hoạt động xây dựng trong quý III có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tại các doanh nghiệp và hộ dân cư trên địa bàn, việc cải tạo, xây mới nhà xưởng, công trình để ở cũng được khẩn trương thực hiện.

Trong những tháng cuối năm, UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Cùng với đó, tập trung thực hiện quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dịch vụ; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Về phía Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, sở sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp kết nối, tìm kiếm đơn hàng; kết nối chuỗi trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước và trên toàn cầu; quảng bá các sản phẩm công nghiệp chủ lực, liên kết, quảng bá với nhau để vừa thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu.

Đối với lĩnh vực thương mại, sở sẽ tập trung việc bình ổn thị trường, phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2023; chú trọng bình ổn thị trường xăng dầu, những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng để tiếp tục tăng trưởng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ trên địa bàn.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền cho các doanh nghiệp về lợi thế các FTA và bám sát tình hình diễn biến của thế giới để giúp doanh nghiệp có thể tranh thủ vào được các thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tăng cao hơn nữa.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hơn 2 năm qua, cả nước và Hà Nội chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, cùng với nhiệm vụ chống dịch, để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thành phố thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phối hợp, giải quyết thủ tục hành chính liên thông; nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạch định chính sách, xây dựng Chính quyền số; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước để tăng tính chủ động cho địa phương và tạo thuận tiện nhất cho người dân.

Trong những tháng cuối năm, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm