Thúc đẩy đầu tư công, nhóm cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi cuối năm?
Giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm trên 253.148 tỷ đồng, tương ứng gần 47% kế hoạch, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 95-100% các tháng cuối năm.
Ngày 15/09/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm 2022.
Nghị quyết đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; Giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Tuy nhiên, theo số liệu Bộ Tài Chính cung cấp, 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 trên 253.148 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch năm. Bởi vậy, sau khi Nghị quyết số 124/NQ-CP ban hành, đầu tư công được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh và có nhiều kết quả rõ nét hơn.
Cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia dự án có vốn đầu tư công
Vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng của nhiều nhóm ngành liên quan cuối năm nay. Thực tế, đầu tư công vẫn được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích nền kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực trong dài hạn, đặc biệt là với mảng giao thông nhờ siêu dự án Cao tốc Bắc - Nam.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng chiều dài gần 724 km, rút ngắn 50% thời gian chuẩn bị đầu tư dự án so với trước đây, chính thức kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án và chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án.
Cụ thể, các nhóm được hưởng lợi khi dự án hạ tầng xây dựng được đẩy mạnh, bao gồm: Nhóm thép, nhóm đá, nhóm nhựa đường… Nhóm hạ tầng có các doanh nghiệp như Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV), Cienco4 (UPCoM: C4G), Vinaconex (HoSE: VCG) trúng thầu thi công dự án đầu tư công.
Nhóm Giao thông thông minh cũng được hưởng lợi nhờ dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2. Trong đó, Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom (HoSE: ELC) và Công nghệ Tiên Phong (HoSE: ITD) hiện đang là những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, chiếm thị phần lớn ở mảng này.
Đây cũng là mảng được Chính phủ chú trọng đầu tư, do tầm quan trọng của giao thông thông minh trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý vi phạm và nâng cao tính minh bạch của ngành.
Theo đó, tháng 07/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án quản lý kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2022 - 2030 với mục tiêu 100% các tuyến đường bộ cao tốc và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh.
Thông tin từ Elcom cho biết, doanh nghiệp này đang triển khai hệ thống giao thông thông minh cho nhiều phân đoạn cao tốc Bắc - Nam như tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt, Cầu Giẽ - Ninh Bình… Đây cũng là đơn vị tham gia dự án thu phí không dừng, cân tải trọng tự động tại các tỉnh Ninh Bình, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Phước, Quảng Nam, Đà Nẵng...
Phân đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt nhìn từ trên cao
Đại diện Elcom chia sẻ, với kinh nghiệm hơn 25 năm nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm, Elcom sẽ tiếp tục cung cấp những giải pháp giao thông thực sự thông minh, nắm bắt xu hướng trên thế giới, với kỳ vọng ứng dụng trong các dự án giao thông trọng điểm, góp phần tiến tới mục tiêu chuyển đổi số giao thông Việt Nam.
Sự đồng hành của các doanh nghiệp, cùng với chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ được xem là động lực chính tạo ra những bước tiến lớn trong việc giải ngân ngân sách Nhà nước, thúc đẩy các dự án công nhanh chóng hoàn thành và đưa vào phục vụ đời sống kinh tế - xã hội.
Ánh Dương
Nhịp Sống Kinh Tế