Công tác pháp chế giữ vai trò then chốt trong cải cách thể chế ngành Thanh tra
Nửa đầu năm 2025 khép lại với những dấu mốc đặc biệt trong lĩnh vực pháp chế tại Thanh tra Chính phủ. Không ồn ào, không phô trương, nhưng những nỗ lực miệt mài và đầy quyết liệt của tập thể Vụ Pháp chế đã góp phần định hình một nền tảng thể chế vững chắc cho quá trình đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực hoạt động của ngành Thanh tra.
Ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Quang Huy
Song, ít ai biết rằng, đằng sau mỗi dự thảo luật, nghị định, thông tư là những con người thầm lặng, luôn tận tụy, sáng tạo, khẩn trương để đảm bảo từng mốc thời gian, từng chỉ đạo được thực hiện đúng hạn, đúng tinh thần.
Dấu ấn đậm nét trong xây dựng thể chế
6 tháng đầu năm 2025, Vụ Pháp chế được giao nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, trong đó nổi bật là việc chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan thanh tra trong bối cảnh đất nước sắp xếp, tinh gọn bộ máy và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cùng lãnh đạo Vụ Pháp chế tham dự gặp mặt Ngày Pháp luật Việt Nam. Ảnh: PV
Ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết: “Chưa bao giờ yêu cầu đối với công tác pháp chế lại nặng nề và có tính chất nền tảng như hiện nay. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước hay những chủ trương, chính sách phải được quán triệt và thể chế hóa ngay, không lưỡng lự, không cầu toàn, không “vừa làm vừa xếp hàng”, tạo nên sự chuyển mình rất lớn trong công tác xây dựng thể chế của đất nước.”
Trên thực tế, Vụ Pháp chế vừa tham gia xây dựng Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, vừa chủ trì tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ để phục vụ cho công tác sắp xếp. Đồng thời, Vụ đã tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thanh tra tại Kỳ họp thứ 9 và hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra, kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, nhất là Kết luận 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Để tạo lập cơ sở pháp lý cho xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, Vụ Pháp chế đã tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2025/NĐ-CP phân định thẩm quyền chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ; tham mưu ban hành Thông tư 02/2025/TT-TTCP hướng dẫn thực hiện một số quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.
Là đơn vị đầu mối, Vụ Pháp chế cũng đã phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tham mưu góp ý sửa đổi Hiến pháp, tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập, góp ý, thẩm định các dự thảo văn bản pháp luật do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, trực tiếp là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt luôn đồng hành cùng Vụ Pháp chế trong công tác xây dựng thể chế. Ảnh: PV
“Chúng tôi luôn cố gắng tiếp thu những ý kiến góp ý, lắng nghe vướng mắc từ địa phương, từ các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ để kịp thời tham mưu chính sách sát thực tiễn”, ông Trần Đăng Vinh nhấn mạnh.
Với tầm nhìn dài hạn, Vụ Pháp chế đang xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, Vụ cũng tích cực rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Thanh tra năm 2025 và phù hợp với thực tiễn mới.
Gắn kết tư duy thể chế và thực tiễn tổ chức
Không chỉ đơn thuần là soạn thảo luật, công tác pháp chế ngày càng khẳng định vai trò trong quá trình cải cách tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Mỗi quy định được ban hành phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa lý luận pháp lý và nhu cầu từ thực tiễn.
Vì vậy, bên cạnh việc tham mưu chính sách, Vụ Pháp chế tập trung cao độ cho các hoạt động tổng kết, đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật; rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh, phối hợp cùng cơ quan báo chí để truyền thông kịp thời các chính sách mới tới cán bộ ngành và công chúng.

Lãnh đạo Vụ Pháp chế tham gia công tác của Thanh tra Chính phủ kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: PV
Những nỗ lực không ngơi nghỉ
Ít ai thấy được phía sau những bản dự thảo trình lên Chính phủ, Quốc hội là bao nhiêu giờ làm việc căng thẳng, nhiều khi thâu đêm suốt sáng của đội ngũ pháp chế.
Tại Vụ Pháp chế, không hiếm những buổi họp vào ngày nghỉ, hay kéo dài tới nửa đêm để hoàn thiện nội dung dự thảo văn bản đúng tiến độ. Nhiều lần, cán bộ văn thư phải ở lại cơ quan cùng Vụ Pháp chế để chờ phát hành văn bản, kịp chuyển đi ngay trong đêm theo yêu cầu gấp. Sự phối hợp nhịp nhàng và tinh thần chủ động, trách nhiệm của các đơn vị đã tạo nên guồng máy làm việc hiệu quả.

Tập thể lãnh đạo Vụ Pháp chế. Ảnh: PV
Trong tập thể ấy, vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng của lãnh đạo Vụ, nhất là Vụ trưởng Trần Đăng Vinh, được nhắc đến như một điểm tựa tinh thần vững chắc.
Một cán bộ trong Vụ chia sẻ: “Làm việc với anh Vinh, mỗi người đều hiểu rõ trách nhiệm của mình. Không có thời gian cho sự chần chừ, vì mỗi ngày đều là những nhiệm vụ gấp, những văn bản tham mưu phải kịp thời, đúng tiến độ để phục vụ điều hành chung.”
Vụ trưởng Trần Đăng Vinh cũng khẳng định: “Làm pháp chế là phải kiên trì, nắn nót từng con chữ, phải bám sát định hướng. Hành lang pháp lý phải chuẩn chỉnh từng ly, bảo đảm tính khả thi. Nếu không, chính pháp luật sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển".
Nhiệm vụ còn nhiều phía trước
Bước sang 6 tháng cuối năm, khối lượng công việc của Vụ Pháp chế tiếp tục dày đặc với nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thực hiện Luật Thanh tra; tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ để trình ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra, trình tự thủ tục tiến hành thanh tra, chế độ thông tin báo cáo công tác thanh tra; xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện khoản 3 Điều 59 Luật Thanh tra; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan quản lý nhà nước; tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng cùng các Nghị định hướng dẫn để giúp Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Sự chuyển mình mạnh mẽ của công tác pháp chế trong thời gian qua chính là minh chứng rõ ràng cho thấy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế ngành Thanh tra đang đi đúng hướng. Ảnh: PV
Vụ Pháp chế còn phải triển khai các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, theo dõi thi hành pháp luật, pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ; Tích cực tham gia xây dựng các văn bản pháp luật do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo; Hướng dẫn, giải đáp kịp thời những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn của các cơ quan thanh tra cũng như của các cơ quan, tổ chức liên quan đến chính quyền địa phương hai cấp.
Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề đặt ra trong bối cảnh nhiều quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra đang có sự thay đổi, đòi hỏi Vụ Pháp chế phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chủ động thích ứng và kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ những giải pháp phù hợp.
Với tinh thần kỷ luật, trách nhiệm và không ngừng đổi mới, Vụ Pháp chế chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác pháp chế của Thanh tra Chính phủ. Quan trọng hơn cả, sự chuyển mình mạnh mẽ của công tác pháp chế trong thời gian qua chính là minh chứng rõ ràng cho thấy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế ngành Thanh tra đang đi đúng hướng, từng bước vững chắc, đồng bộ và hiệu