A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Agribank - Hiện thực ước mơ làm giàu trên mỗi vùng đất quê hương

Trên hành trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân - trụ cột vững chắc của nền kinh tế Việt Nam, Agribank đã và đang khẳng định vai trò tiên phong của một ngân hàng thương mại đặc biệt, gắn bó mật thiết với từng mảnh ruộng, nương rẫy, từng giấc mơ làm giàu của người nông dân Việt Nam. Không chỉ cung cấp dòng vốn, Agribank còn là người bạn đồng hành, giúp hàng triệu hộ nông dân vươn tới cuộc sống đủ đầy hơn qua từng mùa vụ.

 

 

Bắt đầu từ khát vọng của người nông dân

Người nông dân Việt Nam “một nắng hai sương”, quanh năm gắn bó với ruộng đồng - không thiếu ý chí làm giàu, không thiếu quyết tâm thay đổi số phận. Nhưng giữa mong muốn và hiện thực luôn tồn tại khoảng cách nếu thiếu đi những yếu tố hỗ trợ, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Agribank đã xác định rõ nhiệm vụ chính của mình là phục vụ "Tam nông". Agribank không chỉ coi nông dân là khách hàng, là trung tâm mà còn là người bạn đồng hành cần được thấu hiểu, sẻ chia. Trải qua 37 năm hình thành và phát triển, Agribank luôn kiên định với sứ mệnh phục vụ "Tam nông", phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Những nỗ lực bền bỉ đó được thể hiện không chỉ qua con số hàng triệu tỷ đồng tín dụng dành cho khách hàng khắp các vùng miền, mà còn qua những câu chuyện đời thường - nơi giấc mơ làm giàu từ hạt lúa, con tôm, con cá… dần trở thành hiện thực.

Tín dụng nông nghiệp mang đặc thù riêng so với các lĩnh vực khác: vừa chịu nhiều rủi ro về thời tiết, thị trường, vừa khó tiếp cận các phương thức thế chấp, đảm bảo tài sản truyền thống. Agribank thấu hiểu những khó khăn đó và từng bước xây dựng các chính sách tín dụng phù hợp, linh hoạt, sát thực tiễn, đặt yếu tố nhân văn và phát triển bền vững làm trọng tâm.

Đến thăm ông Lê Văn Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nga Hải (tỉnh Hà Tĩnh) chúng tôi đã hiểu rõ hơn về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa người nông dân và Agribank từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Dẫn chúng tôi vào thăm vườn nho Hạ đen vừa đậu quả, ông Lê Văn Bình (sinh năm 1962), nhớ lại những ngày đầu khi mới rời quân ngũ, trở về địa phương vào năm 1986, ông tham gia hoạt động công tác thôn xóm, rồi được giao đất xây dựng và phát triển trang trại. Ông chia sẻ với chúng tôi: “Đến tận bây giờ nhớ lại tôi vẫn rùng mình. Lúc đó “đặc sản” nơi này chỉ có muỗi và vắt. Đường vào chưa có, điện nước càng không. Bao tháng ngày vật lộn, nuôi bò - bò bị bệnh vì muỗi, nuôi dê - dê bị bệnh về mắt…”.

Thời điểm không thể nào quên trong cuộc đời ông Lê Văn Bình chính là ngày 24/8/1993 - khi ông là nông dân đầu tiên được vay 100 triệu đồng từ Agribank huyện Nghi Xuân. Một trăm triệu đồng mà với đồng tiền mệnh giá phổ biến lúc bấy giờ là 5.000 đồng, ông Bình phải cho vào 2 bao tải chất lên chiếc xe đạp chở từ Agribank huyện Nghi Xuân về nhà cất dưới gầm giường…

Từ 100 triệu đồng ban đầu, ông Bình cùng gia đình miệt mài trồng trọt, chăn nuôi… nhiều khi được mất do thiên tai, dịch bệnh… suốt mấy chục năm nay ông Bình vẫn luôn có Agribank đồng hành. Đến nay, HTX Nga Hải có tổng diện tích trên 100ha, trong đó hơn 90ha trồng cây lâm nghiệp, 10ha trồng cây ăn quả, chăn nuôi và du lịch trải nghiệm. HTX Nga Hải cũng là cơ sở đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh và Nghệ An triển khai trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Israel. Ngoài dưa lưới, trang trại còn có 1.000 gốc cam Phủ Quỳ, gần 1.000 gốc bưởi da xanh, 4 khu nhà lưới trồng các giống cây ăn quả mới như nho sữa, nho Hạ đen... Bên cạnh trồng trọt, HTX Nga Hải còn liên kết chăn nuôi gà và lợn thương phẩm với tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Từ những khoản vay nhỏ phục vụ chăn nuôi, trồng trọt theo mùa vụ, đến các khoản vay trung, dài hạn cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mô hình trang trại, kinh tế hợp tác, Agribank luôn đồng hành cùng bà con nông dân ở các giai đoạn: từ chuẩn bị giống, mua vật tư, đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Agribank luôn dành trên 65% dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mỗi năm, hàng chục nghìn tỷ đồng được giải ngân theo các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng ưu đãi cho khách hàng… Những con số ấy là minh chứng cụ thể cho một ngân hàng thủy chung với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phục vụ cộng đồng bằng trái tim trách nhiệm và sự sẻ chia sâu sắc.

Thắp sáng giấc mơ khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp quê hương

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người trẻ trở lại quê hương, chọn khởi nghiệp trên chính mảnh đất ông cha để lại, mang theo tư duy mới, công nghệ mới và niềm tin mãnh liệt vào một nền nông nghiệp hiện đại. Để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo ấy, họ cần vốn, và họ chọn Agribank.

Sinh ra và lớn lên với vị mặn mòi của biển (vùng biển Hoàng Mai - Nghệ An), dù xa quê đi học, đi làm và đã có tới 10 năm làm việc trong các doanh nghiệp thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), Hoàng Văn Long vẫn đau đáu làm sao đưa sản phẩm thủy sản tươi ngon của vùng biển Nghệ An tới được người tiêu dùng trên mọi miền qua các kênh bán hàng hiện đại, vừa nâng tầm sản phẩm, thương hiệu hải sản quê hương, vừa giúp những bà con ngư dân quê nhà khỏi long đong lo bị tư thương ép giá.

Với ý nghĩ nung nấu đó, lại thêm sự động viên của chính quyền địa phương, sau gần 10 năm làm thuê cho các công ty thủy sản, tích lũy được ít vốn và kinh nghiệm, anh Long quyết định trở về quê cùng một số người bạn thành lập Công ty cổ phần Biển Quỳnh.

 

Vận động, gom góp mãi được 2 tỷ đồng, xây dựng xong nhà xưởng, máy móc thiết bị thì không còn vốn. Lúc đó, dù đã được hệ thống siêu thị Big C đồng ý nhập hàng, nhưng công ty không thể huy động được nguồn vốn để mua nguyên liệu. Trong lúc khó khăn ấy, anh Long đã được Agribank chi nhánh Hoàng Mai tư vấn, hỗ trợ: “Cán bộ Agribank Hoàng Mai đã tận tình động viên và hướng dẫn anh em chúng tôi lập đề án định hướng phát triển của công ty. Rất nhanh sau đó, Agribank Hoàng Mai giải ngân khoản vay 500 triệu đồng. Có được nguồn vốn lưu động, chúng tôi bắt tay ngay vào thu mua và bắt đầu bán sản phẩm cho siêu thị Big C”, anh Hoàng Văn Long chia sẻ.

Cứ thế, theo từng vòng vốn, công việc sản xuất, kinh doanh của công ty cũng lớn dần. Đến nay, Công ty cổ phần Biển Quỳnh là một trong những nhà cung cấp hải sản uy tín chuyên chế biến và sản xuất các sản phẩm tôm bóc nõn, bề bề bóc nõn, bạch tuộc, mực và các loại cá tươi, cá một nắng... Sản phẩm của công ty được cung ứng cho các chuỗi siêu thị lớn trong cả nước như Big C, Lotte, Coopmart, Vinmart, Bách Hóa Xanh…; các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và bếp ăn tập thể ở Hưng Yên, Bắc Giang (cũ) với doanh thu trung bình hàng năm 25-30 tỷ đồng mỗi năm… Từ năm 2022, hải sản Biển Quỳnh đã vươn ra biển lớn với các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)...

Để kịp thời hỗ trợ khách hàng khởi nghiệp, ngoài các tiêu chuẩn quy định về điều kiện cho vay của các ngân hàng, mỗi cán bộ tín dụng, ngân hàng đã nhìn thấu được khách hàng của mình, thấy được khát vọng trong các bạn trẻ, đánh giá được đề án phát triển với những ưu thế như sản phẩm mới, có tính đột phá, được siêu thị - khách hàng “khó tính” chấp nhận... để tiến hành hỗ trợ khách hàng.

Dù là doanh nghiệp nhỏ nhưng ngay từ những ngày đầu, Agribank đã nhìn thấy ban lãnh đạo Công ty cổ phần Biển Quỳnh đều là những người được đào tạo bài bản, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nên Agribank đã quyết tâm đồng hành. Thành công của mỗi cán bộ tín dụng Agribank không phải là cho khách hàng vay được khoản tiền lớn, mà đằng sau đồng vốn Agribank đó thấy được sự lan tỏa, truyền cảm hứng, chắp cánh giúp các doanh nhân trẻ, đặc biệt là ở các bạn trẻ ở các miền quê khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đưa sản phẩm quê hương vươn cao bay xa, làm giàu ngay trên quê hương mà không phải ly hương…

Từ những khoản vay nhiều tỷ đồng hay những khoản vay chỉ vài chục triệu đồng, Agribank vẫn kiên trì đồng hành cùng khách hàng. Thực tế cho thấy, rất nhiều hộ, doanh nghiệp tư nhân đã làm nên cơ nghiệp từ những món vay nhỏ bé ban đầu của Agribank…

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân của Agribank luôn được quan tâm chú trọng. Đến nay, tỷ trọng tín dụng đầu tư cho khu vực này chiếm khoảng 80% tổng dư nợ của Agribank với gần 1,4 triệu tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân với quy mô hơn 400 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 90% dư nợ đối với khách hàng doanh nghiệp và đã tăng hơn 30% trong vòng 5 năm qua.

Trong năm 2024, Agribank chủ động giảm lãi suất cho vay 4 lần, đưa lãi suất cho vay bình quân thời điểm cuối năm giảm gần 2% so với đầu năm và thuộc nhóm thấp trên thị trường. Để hỗ trợ hơn nữa cho khu vực kinh tế tư nhân, đầu năm 2025, Agribank tiếp tục giảm từ 0,2%-0,5% sàn lãi suất cho vay ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời triển khai các chương trình tín dụng quy mô trên 350 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-3% so với lãi suất thông thường, bảo đảm cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới tất cả đối tượng khách hàng. Trong đó, riêng các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, Agribank dành nguồn vốn 240 nghìn tỷ đồng, áp dụng cho nhiều đối tượng như khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng xuất nhập khẩu...

Không chỉ phát huy hệ thống mạng lưới chi nhánh rộng khắp trên địa bàn cả nước, để các hộ kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa xích lại gần với ngân hàng hơn, Agribank còn triển khai liên kết với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp để nguồn vốn Agribank luôn sẵn sàng chắp cánh cho kinh tế tư nhân vươn xa.

Chặng đường phía trước của người nông dân Việt vẫn còn nhiều thử thách, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn từ hội nhập, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Trên hành trình đó, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò người đồng hành tận tâm, chủ lực đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trân trọng, nâng niu và hiện thực hóa ước mơ làm giàu của từng khách hàng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm