A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

7 bộ óc kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng suy thoái toàn cầu đang đến

Mùa đông đang tới và suy thoái cũng vậy, một số nhà lãnh đạo kinh doanh và bộ óc kinh tế hàng đầu thế giới đang nghĩ vậy. Dưới đây là ý kiến của 7 tỷ phú, nhà đầu tư và các bộ óc kinh tế nhạy bén hàng đầu thế giới, được đăng trên tờ Fortune.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang, đã mạnh tay tăng lãi suất trong những tháng gần đây để cố gắng làm chậm tốc độ lạm phát đang ở mức rất cao. Trong khi các chính sách này nhằm hạ nhiệt nền kinh tế, chúng cũng làm tăng nguy cơ suy thoái.

Mặc dù thị trường lao động Hoa Kỳ vẫn mạnh mẽ bất chấp sự sụt giảm việc làm gần đây, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang chuẩn bị trước khả năng tác động (và khả năng sa thải nhân công) khi những gã khổng lồ công nghệ như Meta và Google cảnh báo hoặc thông báo về tình trạng đóng băng tuyển dụng sắp tới.

Trong khi cuộc tranh luận về suy thoái đã nổ ra trong vài tháng qua, khoảng 90% CEO nói rằng họ tin rằng suy thoái đang đến, theo một cuộc khảo sát với 400 CEO Hoa Kỳ do công ty tư vấn KPMG công bố hôm thứ Ba.

Hoa Kỳ đã trải qua hai quý tăng trưởng GDP âm liên tiếp vào năm 2022, mà một số người coi đây là dấu hiệu của suy thoái. Những người khác đang chờ Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) đưa ra kết luận cuối cùng.

Điều đó đã không ngăn được các tỷ phú, nhà đầu tư và những bộ óc kinh tế nhạy bén nhất thế giới tuyên bố công khai quan điểm của họ về việc liệu nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu có chính thức bước vào (hay nhanh chóng tiến tới) suy thoái hay không. Dưới đây là một số luận điểm nổi bật nhất.

1. Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase

7 bộ óc kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng suy thoái toàn cầu đang đến - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan Chase cảnh báo: “Tốt hơn là bạn nên chuẩn bị tinh thần cho mình”. Ảnhh AL DRAGO — BLOOMBERG/GETTY IMAGES

Dimon đã cảnh báo các nhà đầu tư hồi tháng 5 về sự hỗn loạn kinh tế và biến động thị trường sắp xảy ra. Ông cũng đã dự đoán — và dự đoán chính xác — rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ tiếp tục và Fed sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.

Sau dự báo trước đó về "các đám mây bão và mây bão lớn", Dimon cho biết vào tháng 6 rằng những đám mây đó đã biến thành "bão".

"Chúng tôi không biết đó là cơn bão nhỏ hay một siêu bão kiểu Sandy. Tốt hơn hết là bạn chuẩn bị 'gồng mình lên' để đón bão", ông nói.

Quan điểm của ông chủ ngân hàng đã không thay đổi vài tháng sau đó và ông thừa nhận trong một cuộc gọi cho khách hàng vào tháng 9 rằng mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung là mạnh mẽ, nhưng ông chỉ thấy 10% khả năng không dẫn đến suy thoái.

Phần còn lại, ông nói, có thể là "điều gì đó tồi tệ hơn".

2. Carl Icahn, Chủ tịch Icahn Enterprises

7 bộ óc kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng suy thoái toàn cầu đang đến - Ảnh 2.

“Lạm phát là một điều khủng khiếp. Carl Icahn, chủ tịch Icahn Enterprises, cảnh báo. Ảnh HEIDI GUTMAN CNBC/GETTY IMAGES

Về hiệu suất của cổ phiếu trong phần còn lại của năm, “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra”, theo nhà đầu tư tỷ phú Carl Icahn, người đã phát biểu tại Best New Ideas in Money Festival vào tháng trước.

Tỷ phú chủ tịch của Icahn Enterprises đã nhiều lần cảnh báo các nhà đầu tư về khó khăn sắp xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ, đổ lỗi cho Fed vì đã chuyển từ chính sách nới lỏng định lượng và lãi suất gần bằng 0 trong thời kỳ đại dịch sang chính sách tiền tệ thắt chặt hơn tập trung vào việc chống lạm phát.

"Chúng ta đã in quá nhiều tiền và nghĩ rằng bữa tiệc sẽ không bao giờ kết thúc. Thực tế thì bữa tiệc đã chấm dứt", ông nói với MarketWatch.

Trong nhận xét của mình, Icahn thậm chí còn so sánh vấn đề lạm phát gia tăng vào năm 2022 với sự sụp đổ của Đế chế La Mã cách đây hơn một nghìn năm.

"Lạm phát là một điều khủng khiếp. Bạn không thể chữa lành nó", Icahn nói.

3. Ken Griffin, CEO của Citadel

7 bộ óc kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng suy thoái toàn cầu đang đến - Ảnh 3.

Giám đốc điều hành của Citadel, Ken Griffin: "Suy thoái, đó chỉ là một câu hỏi về thời điểm, và thành thật mà nói, trả lời được câu hỏi đó là việc cực khó". Ảnh MICHAEL KOVAC—GETTY IMAGES

Ken Griffin cho rằng sẽ có một cuộc suy thoái.

Nhưng không giống như một số nhà đầu tư và nhà kinh tế, những người đã không coi trọng các nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế của những quan chức Cục Dự trữ Liên bang, Giám đốc điều hành của Citadel nói rằng Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nên tiếp tục 'cuộc chiến' của mình, ngay cả sau một loạt các đợt tăng lãi suất lớn gần đây.

“Mọi người đều thích dự báo suy thoái, và sẽ có một cuộc suy thoái. Câu hỏi chỉ là vào thời điểm nào? Thành thật mà nói, trả lời chính xác điều đó thật khó", Griffin nói tuần trước tại Hội nghị thượng đỉnh nhà đầu tư Alpha do CNBC tổ chức.

Griffin lập luận do "yếu tố tâm lý đối với lạm phát", Fed nên tiếp tục công việc của mình để giảm giá tiêu dùng và "giảm kỳ vọng lạm phát". Một cách riêng biệt, ông lập luận rằng nếu nền kinh tế Mỹ trải qua cuộc suy thoái lần thứ hai ngay sau đại dịch, thì điều đó có thể khiến nhiều người Mỹ tin rằng giấc mơ Mỹ đã kết thúc.

Griffin nói: "Kỹ năng làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp bị giảm sút, niềm tin rằng giấc mơ Mỹ không thể thực hiện được. Những tác động văn hóa hữu hình đó thực sự tàn khốc".

4. Nhà kinh tế học Nouriel Roubini

7 bộ óc kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng suy thoái toàn cầu đang đến - Ảnh 4.

Giáo sư Nouriel Roubini dự báo một cuộc suy thoái 'nghiêm trọng, lâu dài và xấu xí'. Ảnh JOHN LAMPARSKI—GETTY IMAGES

Khi nào người Mỹ nên mong đợi một cuộc suy thoái xảy ra?

Theo nhà kinh tế Nouriel Roubini, nó có thể đến Hoa Kỳ vào cuối năm 2022 trước khi lan rộng ra toàn cầu vào năm sau với khả năng kéo dài đến hết năm 2023.

"Đó sẽ không phải là một cuộc suy thoái ngắn và nông. Cuộc suy thoái này sẽ trở nên nghiêm trọng, lâu dài và xấu xí", Roubini nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 9.

Nổi tiếng với những dự đoán kinh tế ảm đạm, Giáo sư Đại học New York và Giám đốc điều hành của Roubini Macro Associates đã tự đặt cho mình biệt danh “Dr. Doom ”vì là một trong những người đầu tiên dự đoán chính xác sự sụp đổ của thị trường nhà đất 2007–2008.

Roubini cho biết ông hy vọng "một cuộc hạ cánh cứng", trong đó S&P 500 có thể giảm giá trị tới 40%.

5. Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế

7 bộ óc kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng suy thoái toàn cầu đang đến - Ảnh 5.

 

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva: "Hãy thắt dây an toàn". Ảnh SAMUEL CORUM—GETTY IMAGES

Theo Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu mới có các dấu hiệu suy thoái về mặt kỹ thuật, thì những tác động của chúng thực sự vẫn có thể giống như một cuộc suy thoái.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 với Bloomberg, Georgieva cho biết lãi suất tăng sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng.

Georgieva nói: "Đối với hàng trăm triệu người, nó sẽ giống như một cuộc suy thoái, vì vậy hãy thắt dây an toàn. Hy vọng rằng, nếu chúng ta kiểm soát được lạm phát, thì chúng ta có thể thấy nền tảng cho tăng trưởng và phục hồi".

Hôm thứ Năm, Georgieva tiết lộ rằng IMF sẽ một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023 trong một báo cáo sắp tới. Bà cũng nói với các khán giả tại Đại học Georgetown về một "nguy cơ suy thoái đang gia tăng" do đại dịch, lạm phát gia tăng, và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Georgieva nói: “Nhiều cú sốc, trong số đó là một cuộc chiến tranh vô nghĩa, đã thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế. Không chỉ là nhất thời, lạm phát đã trở nên dai dẳng hơn".

6. David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới

7 bộ óc kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng suy thoái toàn cầu đang đến - Ảnh 6.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cảnh báo 'một cơn bão hoàn hảo' về lãi suất tăng, lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại có thể giúp kích hoạt một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Ảnh JUSTIN SULLIVAN—GETTY IMAGES

Ngày càng nhiều tổ chức toàn cầu đang cảnh báo các chính phủ về một cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra và kêu gọi các quốc gia giàu có xem xét nỗ lực giảm lạm phát trong biên giới của họ đang tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu.

Trong bài phát biểu tại Đại học Stanford vào tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cảnh báo rằng một 'cơn bão hoàn hảo' về lãi suất tăng, lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại có thể kích hoạt suy thoái toàn cầu.

“Bền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với các nền kinh tế đang phát triển đang đối mặt với một thực tế khó khăn. Một loạt các sự kiện khắc nghiệt và các chính sách kinh tế vĩ mô chưa từng có đang đe dọa khủng hoảng tới sự phát triển", Malpass nói.

"Điều này gây ra hậu quả cho tất cả chúng ta do bản chất liên kết với nhau của nền kinh tế toàn cầu và các nền văn minh trên thế giới", bà nhấn mạnh.

Theo các chính sách hiện tại, Malpass cho biết, sản xuất năng lượng toàn cầu có thể mất nhiều năm để đa dạng hóa nguồn cung khỏi nước Nga sau cuộc tấn công Ukraine.

Điều đó có nghĩa là một "triển vọng ngắn hạn cực kỳ thách thức", đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển, có thể kích hoạt sự kết hợp giữa tăng trưởng thấp và lạm phát cao, thường được gọi là lạm phát đình trệ.

Vào đầu tháng 9, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một nghiên cứu dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu, diễn ra sớm nhất là vào năm tới.

7. Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO

7 bộ óc kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng suy thoái toàn cầu đang đến - Ảnh 7.

 

Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới, cho biết: "Các chỉ số có vẻ không tốt và suy thoái toàn cầu là "điều tôi nghĩ chúng ta đang gặp phải". Ảnh ANDRESSA ANHOLETE—BLOOMBERG/GETTY IMAGES

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về cuộc suy thoái toàn cầu.

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nói với Bloomberg tuần trước: “Các chỉ số có vẻ không tốt. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến vào một cuộc suy thoái toàn cầu".

Theo bà Okonjo-Iweala, sự kết hợp giữa giá lương thực và năng lượng tăng cùng với những tác động liên tục của cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang đe dọa các quốc gia trên toàn thế giới lún sâu vào suy thoái kinh tế.

Vào tháng 4, WTO đã hạ kỳ vọng tăng trưởng thương mại hàng hóa trong năm nay xuống 3%, giảm so với dự báo trước đó là 4,7%. Bà Okonjo-Iweala cho biết WTO cũng dự kiến ​​cắt giảm các dự báo tăng trưởng thương mại cho năm 2022.

Theo Chí Thành

Nhà đầu tư


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm