A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ

Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, đã có 5 nhóm chính sách trọng tâm xây dựng nông thôn mới (NTM) được Chương trình huy động nghiên cứu và có các đề xuất hoàn thiện, gồm: Dịch chuyển lao động nông nghiệp trong quá trình xây dựng NTM, sáng tạo việc làm tại chỗ bền vững cho lao động nông thôn; phát triển sản xuất nông nghiệp theo các mô hình liên kết chuỗi giá trị, kinh tế chia sẻ, khởi nghiệp ở nông thôn và đổi mới hợp tác xã; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp và khuyến khích ứng dụng công nghệ đồng bộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở cấp huyện; phát triển NTM bền vững, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với các mô hình kết hợp nông - lâm nghiệp – du lịch sinh thái, bảo vệ tài nguyên có sự tham gia của cộng đồng,…

 Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa: B.T)

Về kết quả đào tạo, nâng cao năng lực trình độ cho các đối tượng tham gia xây dựng NTM, Chương trình đã tổ chức được trên 350 lớp/đợt tập huấn với nhiều nội dung khác nhau, xây dựng được hàng trăm bộ tài liệu kỹ thuật; có trên 11.000 lượt người được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, quản lý (bao gồm cán bộ xây dựng NTM ở cơ sở, cán bộ hợp tác xã, công nhân kỹ thuật, nông dân…).

Đáng chú ý, hầu hết các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thuộc Chương trình đều có doanh nghiệp đầu tư; trên 60% mô hình có triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là đối với nhóm sản phẩm chủ lực các cấp. Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền,…

Từ đây, Chương trình đã góp phần hoàn thiện nhiều cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng của xây dựng NTM. Trong đó, tiêu biểu là kinh nghiệm và các bài học của thế giới về xây dựng NTM; phương thức triển khai và mô hình NTM; luận cứ điều chỉnh các tiêu chí NTM,…

Đặc biệt, Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, mang tính lan tỏa cao. Trong đó, đã có 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án. Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.

Điển hình, trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất. Trong chăn nuôi, một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng. Đó là các giống lợn lai có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao; một số giống bò thịt lai máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả; ứng dụng rộng rãi các giống gà thả vườn, gà đồi, nuôi vịt siêu trứng, vịt siêu thịt,…

Những kết quả trên đã làm tăng hiệu quả kinh tế với các mức độ khác nhau đóng góp vào tổng năng suất tăng thêm như: chuyển đối cơ cấu cây trồng đóng góp 12,1%; quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM) 15,0%; cơ giới hóa phục vụ sản xuất 13,6%; quy trình VietGAP 12,5%; sản xuất hướng hữu cơ 8,7%; nuôi trồng thủy sản nước ngọt 9,3%,…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng NTM sẽ tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ; các dự án kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên tái tạo. Đồng thời, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương.

Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng. Cùng với đó, ưu tiên thực hiện các nội dung liên quan đến các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Ngoài ra, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để thực hiện các đề tài, dự án thuộc Chương trình; tăng cường hợp tác, huy động sự tham gia của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp lồng ghép các chương trình khoa học công nghệ có liên quan để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nội dung của Chương trình trên cùng địa bàn và đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng thực hiện./.

 
BT
 

 

 

 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm