Ngành Công Thương chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công Thương đã nỗ lực chuyển đổi số, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể, toàn diện.
Xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, cần có những bước triển khai nhanh chóng, quyết liệt nhằm tạo nền tảng cho môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Đây cũng là giải pháp để giải quyết điểm nghẽn trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng, quản lý, điều hành của Bộ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, giai đoạn 2016 - 2021, Bộ đã có sự chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2010 - 2015 và đạt được những kết quả nhất định về công tác ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả đánh giá về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đối với cơ quan trung ương qua các năm cho thấy, từ vị trí cuối bảng xếp hạng trong các bộ, ngành, Bộ Công Thương đã vươn lên nhóm dẫn đầu. Đáng chú ý, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng nội bộ dùng chung cho các đơn vị trực thuộc Bộ đạt được hiệu quả rất tích cực.
Theo Bộ Công Thương, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và công nghiệp. |
Đến nay, 100% cán bộ có tài khoản thư điện tử của đơn vị; 100% đơn vị sử dụng ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, trang thông tin điều hành tác nghiệp nội bộ... Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ theo định hướng của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng...
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và công nghiệp. Thương mại điện tử được ghi nhận là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, với mức tăng trưởng cao và đồng đều, khoảng 25 - 30%/năm trong 10 năm vừa qua, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch, thương mại điện tử vẫn giữ mức tăng trưởng 2 con số, góp phần tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến tiêu thụ và lưu thông hàng hóa.
Thực hiện vai trò đầu mối, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan Bộ, ngành, địa phương và sàn thương mại điện tử lớn triển khai kết nối và hỗ trợ bán hàng, tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Đây là một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao, “cánh tay nối dài” của các kênh phân phối hàng hóa truyền thống. Từ đó, giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho hay, hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất công nghiệp và năng lượng đã có những chuyển biến rất tích cực. Các doanh nghiệp đang tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh.
Điển hình, trong lĩnh vực điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục được vinh danh ở hạng mục Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2021 với hoạt động triển khai mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị thành viên.
Với lĩnh vực khoáng sản, các doanh nghiệp đang tập trung phát triển tầng công nghệ thông tin hiện đại, triển khai rộng rãi hệ thống tự động hóa. Ngành dầu khí đang thực hiện chuyển đổi số ở tập đoàn và lộ trình triển khai cho các đơn vị thành viên.
Trong lĩnh công nghệ thực phẩm, Tổng công ty Cổ phần (CP) Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cũng là một điển hình với hệ thống 24 nhà máy sản xuất với công nghệ thiết bị hiện đại, tự động, đồng bộ hóa cao và đạt chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP/ISO 22000 và ISO 14001…
Triển khai đồng thời nhiều giải pháp
Để thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 823/QĐ-BCT ngày 29/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình chuyển đổi số tại Bộ Công Thương giai đoạn 2022 - 2025.
Trong giai đoạn này, Bộ sẽ triển khai hàng loạt nhiệm vụ cụ thể: Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng; xây dựng cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.
Với hàng loạt nhiệm vụ này, Bộ Công Thương cơ bản sẽ xây dựng được “Bộ Công Thương điện tử” nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc trong nội bộ của Bộ Công Thương nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung.
Trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương xác định, một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn tới là triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo nền tảng vững chắc, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại để phát triển sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành điện hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện hiệu quả; triển khai mô hình điều khiển nhà máy điện thông minh, trung tâm quản lý vận hành cho các cụm nhà máy cùng đơn vị phát điện |
Cụ thể, ngành dầu khí tích hợp chặt chẽ, hai chiều với cơ sở dữ liệu chuyên ngành để hình thành chuỗi liên kết dọc trong ngành dầu khí; hình thành các công trình, nhà máy, cơ sở sản xuất thông minh; hỗ trợ tối đa các hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngành than gia tăng trữ lượng than xác minh, nâng cao hiệu quả khai thác; xây dựng và vận hành một số mỏ đạt mức tự động hóa cao, vận hành không người trực nhằm giảm nhân công lao động trực tiếp, giảm chi phí giá thành sản phẩm; áp dụng hệ thống tự động hóa gắn với sản xuất thông minh dựa trên nền tảng số hóa, giúp minh bạch và tối ưu hóa quá trình sản xuất…
Ngành điện và năng lượng tái tạo hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện hiệu quả; triển khai mô hình điều khiển nhà máy điện thông minh, trung tâm quản lý vận hành cho các cụm nhà máy cùng đơn vị phát điện; xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến phù hợp với các thiết bị, đưa ra khuyến cáo về chế độ vận hành tối ưu theo điều kiện kinh tế, kỹ thuật…
Để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu trong tình hình mới, các hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương sẽ được triển khai tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất và quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Để thực hiện, Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng thời nhiều giải pháp, từ thiết lập môi trường kiến tạo; tạo nhận thức sâu sắc; hình thành năng lực sáng tạo; dẫn dắt chuyên nghiệp thông qua các điển hình và mô hình mẫu về chuyển đổi số, phát triển tầm nhìn bền vững.
Đồng thời, Bộ sẽ tập trung xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm gắn với phát triển ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ; kết nối chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Bộ với hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trong ngành; củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ vững mạnh, huy động sự tham gia của doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đơn vị nghiên cứu, tư vấn trong nước và nước ngoài có thế mạnh, dẫn đầu về lĩnh vực khoa học và công nghệ với mục tiêu hình thành một hệ sinh thái đa dạng, linh hoạt, kết nối chặt chẽ, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp ngành Công Thương.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 505/QĐ-TTg chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. |