Chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nói riêng cần phải tự tạo ra sức bật, với giá trị cốt lõi là số hóa doanh nghiệp trên mọi mặt hoạt động, sản xuất kinh doanh và phát triển.
Vì vậy, thời gian tới, xu hướng chuyển đổi số sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong quá trình phát triển BĐS tại Việt Nam, được xem là tương lai, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành BĐS. Đặc biệt, sự ra đời của công nghệ BĐS giúp giải quyết được nhiều vấn đề, hỗ trợ không chỉ cộng đồng khách hàng, mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ BĐS hứa hẹn sẽ nhanh chóng “cất cánh”, phát triển không thua kém công nghệ trong các lĩnh vực khác. Theo xu hướng toàn cầu, công nghệ BĐS có thể được ứng dụng để giải quyết 3 bài toán chính: Tiếp cận thông tin; hỗ trợ giao dịch an toàn cho người dùng cuối; quản lý và tối ưu hóa tài sản.
Thực tế, trước đại dịch COVID-19 xảy ra, đã có nhiều doanh nghiệp BĐS tìm đến với chuyển đổi số. Tuy nhiên, khi phải chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm qua, sự trăn trở này của mỗi doanh nghiệp đã trở thành nhu cầu tất yếu. Có thể thấy, chuyển đổi số là giải pháp duy nhất để doanh nghiệp duy trì, phát triển và đón đầu những cơ hội mới để bứt phá.
Theo các chuyên gia BĐS, hiện nay phần lớn người dân đều khó để tiếp cận được các thông tin về quy hoạch sử dụng đất đai tại địa phương, mặc dù đây là yêu cầu bắt buộc đã được thể hiện trong Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan khác. Bên cạnh đó, hiện nay, không ít người dân, nhà đầu tư phải chịu nhiều thiệt hại trước sự dẫn dắt của “cò”, môi giới không chuyên hoặc chạy theo những cơn sốt đất. Với một thị trường “nhạy cảm” như BĐS, chỉ có công khai, rõ ràng về thông tin thì mới có thể phát triển bền vững.
Những năm gần đây, các giải pháp, mô hình công nghệ liên quan đến BĐS xuất hiện ngày càng nhiều. Việc có những ứng dụng công nghệ thông minh giúp người dân có thể tự tra cứu thông tin về các phân khúc bất động sản thông qua công nghệ VR, AR… là một giải pháp hữu hiệu và cần được quan tâm. Đồng thời, khi từng chuyển động của thị trường BĐS được soi rõ bằng công nghệ, sẽ là lúc các cơ quan quản lý Nhà nước có thể dễ dàng giám sát và nhìn nhận một cách tổng quan nhất, phát hiện kịp thời nhất các bất ổn của thị trường, để sớm có các chỉ đạo và giải pháp chính sách phù hợp để điều chỉnh thị trường phát triển đúng quỹ đạo.
Trước thực tế trên, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land nhận định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thị trường, các doanh nghiệp, chủ đầu tư BĐS cần chủ động, tích cực hơn trong việc chuyển đổi số, để không lãng phí thời gian và gia tăng hiệu quả chuyển đổi số, các doanh nghiệp BĐS cần kết nối với những doanh nghiệp có năng lực công nghệ số bởi các doanh nghiệp công nghệ đã có nền tảng, có nhân lực và hệ thống, để có thể giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào quản trị, kinh doanh, đầu tư nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, chuyển đổi số trong ngành BĐS hiện nay mang đến tiềm năng, cơ hội và thách thức trong phát triển, ứng dụng công nghệ vào thị trường BĐS tại Việt Nam; giúp các doanh nghiệp BĐS nhận diện xu hướng phát triển công nghệ BĐS mới trong giai đoạn tới.