Cơ hội của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể đổi mới mô hình kinh doanh, tiết kiệm chi phí, gia tăng giá trị thương hiệu, tiếp cận thị trường và tài chính xanh.
Khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đối với cây chuối, không có bộ phận nào của cây chuối bị bỏ phí, mà đều có thể trở thành các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng. Ảnh: Hoàng Nam
Cả nước đang tập trung thực hiện cùng lúc nhiều công việc lớn, quan trọng, phấn đấu đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân chuyển mình mạnh mẽ, đóng vai trò tiên phong trong xây dựng nền kinh tế Việt Nam bền vững, hiện đại và có trách nhiệm với tương lai.
Tạo môi trường, nuôi dưỡng cảm xúc để doanh nghiệp tư nhân tiên phong đầu tư
Có thể nói, doanh nghiệp tư nhân là lực lượng chủ yếu trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua hoạt động sản xuất sạch, sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm rác thải. Các công ty tư nhân luôn tiên phong trong đổi mới công nghệ, sáng tạo mô hình sản xuất bền vững, linh hoạt trong đầu tư vào các giải pháp tái chế, tái sử dụng, sản xuất xanh, thúc đẩy chuỗi giá trị tuần hoàn.
Ở chiều ngược lại, kinh tế tuần hoàn cũng là môi trường lý tưởng, tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân khi tham gia khai thác các mô hình kinh doanh dựa trên tái chế, tái sử dụng như sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải nông nghiệp, tái chế nhựa thành sản phẩm mới. Qua đó, tối ưu hóa quy trình giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, để kinh tế tư nhân trở thành động lực, trụ cột quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, Nhà nước cần tạo môi trường và nuôi dưỡng cảm xúc để doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong đầu tư, mạnh dạn trong mở rộng sản xuất, bắt kịp cơ hội tăng trưởng.
Các chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân cần phân định rõ giữa nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa - nhỏ, nhằm đảm bảo tính công bằng trong chính sách và huy động nguồn lực, để nuôi dưỡng phù hợp cả tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế và cả “cảm xúc” được công bằng và cống hiến.
Các quy định pháp luật và thủ tục hành chính phải thông thoáng, dễ hiểu, minh bạch; bãi bỏ các quy định chồng chéo, bất hợp lý, tạo công bằng giữa các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước, FDI...
Cần cơ chế khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Trong các mặt hàng nông sản, vốn là thế mạnh của nước ta, không ít sản phẩm, ngành hàng đã được các doanh nghiệp đầu tư, thiết bị để chế biến sâu, tận thu những phụ phẩm, phế phẩm để gia tăng giá trị; đồng thời, giảm phát thải, gây ô nhiễm môi trường.
Minh chứng là trong ngành hàng cá tra xuất khẩu, ngoài mặt hàng xuất khẩu chính là cá tra phi lê, phụ phẩm trong chế biến cá tra như đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ, máu... đều có thể được tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị cao như dầu cá, bột cá, collagen, dược mỹ phẩm, phân bón hữu cơ…
Tương tự với cây chuối, trong quy trình sản xuất tuần hoàn, ngoài sản phẩm chuối tươi xuất khẩu, quả chuối nay còn được sấy khô, vừa giữ nguyên được các giá trị dinh dưỡng, vừa kéo dài thời gian bảo quản và sự tiện lợi cho người dùng. Các phụ phẩm như lá chuối có thể làm phân hữu cơ để bón lại cho chính vườn trồng, thân chuối có thể dùng để kéo sợi và dệt thành vải…
Việc tận dụng phụ phẩm từ quá trình chế biến các mặt hàng thủy sản, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, vừa có thể tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm. Ảnh: Hoàng Nam
Tuy nhiên, không khó để chỉ ra những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp tư nhân khi tham gia, áp dụng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đó là chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu chính sách hỗ trợ tài chính, cơ chế khuyến khích.
Mặt khác, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự hiệu quả và công bằng giữa các khu vực kinh tế, dẫn đến không dễ tiếp cận đối với kinh tế tư nhân.
Anh Nguyễn Văn Thắng, người luôn đau đáu với sản phẩm măng sạch, chất lượng cao, vừa cùng với một số hộ dân liên kết để thành lập hợp tác xã với mong muốn thực hiện dự án, chia sẻ: Tiềm năng của sản phẩm là rất lớn, nhưng sau khi giải được bài toán vùng nguyên liệu, khó khăn lớn nhất lại là vấn đề tiếp cận vốn.
Do hợp tác xã chỉ mới thành lập, chưa qua 1 năm tài chính, nên khi tiếp cận các tổ chức tín dụng để tìm kiếm các khoản vay hỗ trợ, anh Thắng không thể cung cấp được báo cáo tài chính theo yêu cầu thẩm định. Nên dù có đối tác bao tiêu sản phẩm, thì việc hợp tác xã của anh Thắng tiếp cận được các gói vay ưu đãi vẫn còn rất khó khăn.
Thực tiễn đặt ra, cần thiết kế những chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, cũng như thành phần kinh tế hộ gia đình và kinh tế hợp tác xã, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.