A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần Thơ: Bảo tồn di tích lịch sử gắn liền với phát triển du lịch

TP. Cần Thơ đang nỗ lực bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, từ đó phát triển du lịch bền vững, tạo nguồn lực kinh tế và nâng cao đời sống cộng đồng.

Cần Thơ được biết đến với hình ảnh chợ nổi, những vườn cây ăn trái trù phú và con người hào sảng. Vùng đất này còn là nơi lưu giữ một kho tàng di tích lịch sử, văn hóa phong phú - những “chứng nhân” của bao thăng trầm lịch sử, đồng thời là nền tảng cho phát triển du lịch văn hóa - tâm linh đầy tiềm năng.

Trong xu thế phát triển bền vững, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này đang được Cần Thơ xác định là một hướng đi chiến lược để phát triển du lịch gắn với bản sắc địa phương.

Cần Thơ: Bảo tồn di tích lịch sử gắn liền với phát triển du lịch
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Thủy tại quận Bình Thủy. TP. Cần Thơ. Ảnh: Cantho.gov.vn

Hiện nay, TP. Cần Thơ sở hữu hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh và công trình kiến trúc có giá trị, trong đó có 38 di tích được xếp hạng, gồm 14 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp thành phố.

Ngoài ra, địa phương còn có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm văn hóa chợ nổi Cái Răng, hò Cần Thơ, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy và nghệ thuật hát ru của người Việt. Đây là những tài nguyên quý giá để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Một trong những điểm nhấn văn hóa nổi bật tại Cần Thơ là đình Bình Thủy - được xây dựng từ năm 1844, là một trong những ngôi đình cổ nhất và đẹp nhất của miền Nam. Với kiến trúc hài hòa giữa truyền thống Việt và ảnh hưởng phương Tây, đình Bình Thủy không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách bởi giá trị nghệ thuật và lịch sử đặc sắc.

Bên cạnh đó, nhà cổ Bình Thủy - ngôi nhà hơn 150 năm tuổi của dòng họ Dương là biểu tượng rõ nét của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây. Với lối kiến trúc Pháp kết hợp nghệ thuật trang trí truyền thống Việt Nam, nhà cổ Bình Thủy không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn là địa điểm yêu thích của nhiều nhà làm phim quốc tế.

Ngoài ra, Cần Thơ còn có nhiều công trình lịch sử có ý nghĩa lớn như Chùa Nam Nhã - nơi gắn liền với phong trào Đông Du và tinh thần yêu nước đầu thế kỷ XX; Khám Lớn Cần Thơ - một trong những nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến; hay di tích Giàn Gừa ở huyện Phong Điền - với hệ thống cây gừa cổ thụ đan xen, từng là căn cứ cách mạng quan trọng.

Cần Thơ: Bảo tồn di tích lịch sử gắn liền với phát triển du lịch
Chợ nổi Cái Răng không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là điểm du lịch độc đáo của TP. Cần Thơ. Ảnh minh họa

Không chỉ có các di tích vật thể, Cần Thơ còn nổi tiếng với các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Trong đó, chợ nổi Cái Răng là hình ảnh quen thuộc, sống động về nếp sống sinh hoạt và buôn bán trên sông của cư dân miền Tây. Đây là nét văn hóa độc đáo không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm.

Hò Cần Thơ và Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy là những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện chiều sâu văn hóa dân gian, tín ngưỡng của người dân Tây Đô. Các hoạt động này góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, đồng thời là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong các tour trải nghiệm văn hóa bản địa.

Chiến lược bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch

Trước tiềm năng to lớn của hệ thống di sản văn hóa, TP. Cần Thơ đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo tồn và khai thác giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch.

đã được ban hành. Đây là minh chứng rõ nét

Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 14/4/2021 về “Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2025” đã được ban hành. Đây là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn và quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống.

Cần Thơ: Bảo tồn di tích lịch sử gắn liền với phát

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ. Ảnh Cantho.gov.vn

Mục tiêu của kế hoạch không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn hiện trạng mà còn tích cực phát huy giá trị di tích trong đời sống cộng đồng, đưa di sản vào các sản phẩm du lịch cụ thể. Từ đó, di sản không chỉ là ký ức quá khứ mà trở thành phần sống động của hiện tại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, nhấn mạnh: “Di tích lịch sử - văn hóa với tư cách là di sản văn hoá, là kho tàng văn hoá dân tộc đã có giá trị to lớn trong đời sống xã hội hiện đại. Mặc dù trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình toàn cầu hoá là một xu thế tất yếu nhưng với giá trị văn hoá, giá trị nhân văn to lớn vẫn giữ vai trò không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Di tích và du lịch có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.

Trong những năm gần đây, lượng khách đến tham quan các điểm di tích, di sản ở Cần Thơ ngày càng tăng, đặc biệt là khách quốc tế yêu thích du lịch trải nghiệm văn hóa. Nhiều tour du lịch theo chủ đề đã được hình thành như “Hành trình về nguồn”, “Tour nhà cổ - chùa cổ”, “Trải nghiệm lễ hội dân gian Nam Bộ”, kết nối giữa các điểm di tích, làng nghề và hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều công trình xuống cấp do thời gian và tác động của thời tiết, thiên tai. Kinh phí cho việc tu bổ, bảo dưỡng còn hạn chế. Việc quản lý, khai thác ở một số nơi còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Ngoài ra, tình trạng đô thị hóa nhanh chóng cũng gây áp lực lên các khu vực có di tích.

Để khắc phục những hạn chế này, Cần Thơ cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ và dài hạn. Trước hết, tăng cường xã hội hóa công tác bảo tồn, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá di tích như số hóa thông tin, xây dựng bản đồ di tích, sử dụng mã QR, thực tế ảo (VR) để giúp du khách tiếp cận thông tin một cách sinh động và tiện lợi hơn.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di tích cũng vô cùng quan trọng. Các chương trình giáo dục di sản trong trường học, hoạt động ngoại khóa tại di tích, lễ hội truyền thống… cần được tổ chức thường xuyên để tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa người dân với di sản văn hóa của quê hương.

Bảo tồn di tích không chỉ là gìn giữ những dấu tích vật chất của quá khứ mà còn là cách để giữ lại hồn cốt văn hóa dân tộc, truyền cảm hứng và lòng tự hào cho thế hệ mai sau. Đối với một thành phố năng động như Cần Thơ, việc hài hòa giữa phát triển hiện đại và giữ gìn bản sắc văn hóa là yếu tố then chốt để phát triển bền vững.

Khi di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có giá trị kinh tế rõ ràng, khi người dân địa phương thấy được lợi ích từ việc gìn giữ di sản, khi lớp trẻ tự hào về quá khứ cha ông và mong muốn góp phần phát triển quê hương đó là lúc di sản thực sự “sống” trong lòng cộng đồng.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm