A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP Hồ Chí Minh: Sẽ là trung tâm logictics tầm cỡ khu vực và thế giới

Sau sắp xếp, hợp nhất, TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và thế giới.

 

Cảng Cát Lái là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: Thu Huyền

Nhân lên lợi thế khi sắp xếp, hợp nhất

Chủ trương hợp nhất TP Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua tại kỳ họp thứ 22 vào ngày 18/4. Sau khi hợp nhất, TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành một siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.

Với ngành logistics, việc sắp xếp, hợp nhất sẽ tạo ra lợi thế rất lớn để phát triển. Trong đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường thủy được kết nối liền mạch và hệ thống cảng biển được liên kết chặt chẽ sẽ phát huy hiệu quả. Đặc biệt, khi các cảng nước sâu hiện đại của Bà Rịa - Vũng Tàu được kết nối chặt chẽ với hệ thống cảng quốc tế và vị trí giao thương thuận lợi của TP Hồ Chí Minh, sẽ giúp TP vươn lên thành trung tâm trung chuyển quốc tế.

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển logistics trở thành một ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế TP trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ hội đón đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng xanh, hiện đại và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạng lưới kết nối. Đồng thời, phấn đấu đưa TP trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Đến năm 2045, TP quyết tâm phát triển logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của thị trường; phấn đấu trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.

Những năm gần đây ngành logictics của TP đã có sự phát triển mạnh mẽ, dần chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn. Năm 2024, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải của TP Hồ Chí Minh đạt 460.849 tỷ đồng, tăng 34,5% so với năm 2023.

Trong quý 1/2025, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải của TP đạt 113.987 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 67,5%, vận tải hàng hóa tăng 9,5% và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 18,7%.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế của mình, TP xác định ngành logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế TP. Vì vậy, TP đã định hình hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành logistics, đạt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển logictics xanh

Tại Diễn đàn logistics với chủ đề “Logistics trong bối cảnh toàn cầu” do Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối năm 2024, vấn đề được các đại biểu quan tâm là phát triển logistics xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao để đón đầu xu thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; chiến lược ứng phó với biến động cước vận tải quốc tế; xu hướng logistics trong thương mại điện tử...

Hạ tầng giao thông phát triển đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng vận tải TP. Ảnh: Thu Huyền

Trong kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển, UBND TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030 nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.

Đến năm 2045, TP phấn đấu phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Với đặc thù là một trong những ngành có phát thải lớn và mức độ tiêu hao năng lượng cao, ngành logictics đang rất cần thiết thực hiện chuyển đổi theo hướng “xanh hóa” để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tại TP Hồ Chí Minh, việc phát triển logictics xanh đã được chính quyền TP và doanh nghiệp quan tâm thực hiện, có lộ trình và chiến lược bài bản. Vào cuối năm 2024, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đã tổ chức khai trương 17 tuyến xe buýt điện kết nối metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo lộ trình, TP Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100% xe buýt trên tất cả các tuyến chuyển sang chạy bằng điện. TP cũng đã lên kế hoạch đầu tư mạng lưới trạm sạc điện, khí CNG và áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp vay vốn để thực hiện việc chuyển đổi xanh trong lĩnh vực vận tải.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm