A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 6/2023

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ hợp tác với Bộ Công Thương để thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành công thương.

Đẩy nhanh quá trình sản xuất và truyền tải năng lượng sạch

Mới đây, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV), Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) tổ chức Hội thảo phổ biến Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 14/12/2022, Bộ Công Thương chính thức phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

USAID sẽ hợp tác với Bộ Công Thương để thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành công thương

USAID đã hỗ trợ Vụ TKNL&PTBV nghiên cứu, rà soát kinh nghiệm quốc tế và chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, đề xuất khung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương có sự tham gia của các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và các nhà khoa học.

Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành công thương. 

USAID sẽ hợp tác với Bộ Công Thương để thực hiện kế hoạch hành động thông qua việc hỗ trợ triển khai các dự án năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời huy động đầu tư của khu vực tư nhân vào những công nghệ năng lượng tiên tiến.

Đồng thời, USAID tiếp tục hợp tác với Bộ Công Thương trong thiết kế và triển khai các kế hoạch chiến lược để đẩy nhanh quá trình sản xuất, truyền tải năng lượng sạch trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong quá trình Việt Nam chuyển dịch cơ cấu năng lượng từ một hệ thống dựa vào than đá sang một hệ thống dựa vào năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên.

Việt Nam đẩy mạnh triển khai dự án điện gió ngoài khơi để xuất sang Singapore

Trong chương trình chuyến thăm chính thức Singapore, ngày 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tow Heng Tan, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sembcorp và chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa Sembcorp và đối tác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore.

Sembcorp đầu tư vào Việt Nam thông qua Sembcorp Development (SCD) trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản… và Sembcorp Utilities (SCU) trong lĩnh vực năng lượng.

Lãnh đạo Sembcorp khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tại Việt Nam, mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ và nhận được sự ủng hộ trong triển khai thực hiện dự án VSIP và các dự án năng lượng tái tạo; nêu một số kiến nghị liên quan tới sửa đổi, điều chỉnh Luật Đất đai.

Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành hai nước chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa PTSC và Công ty Sembcorp Utilities trong việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore. (Ảnh: VGP)

Chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa Sembcorp và đối tác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ Sembcorp triển khai các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có kế hoạch hợp tác giữa Sembcorp và Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) nhằm thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore. Hiện Việt Nam và Singapore đang thảo luận kế hoạch xây dựng đường tải điện qua Biển Đông trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Khu vực miền Trung có thêm dự án năng lượng tái tạo

Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng vừa diễn ra tại tỉnh Bình Định, nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác, quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đã được công bố.

Tỉnh Quảng Bình đã trao quyết định chủ trương đầu tư dự án trang trại điện gió BT2 giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư là 54,6 triệu USD

Trong đó, các dự án lĩnh vực năng lượng tái tạo được trao quyết định đầu tư gồm: dự án trang trại điện gió BT2 giai đoạn 2 (54,6 triệu USD) của Công ty CP Điện gió BT3 tại Quảng Bình; dự án Nhà máy điện rác Khánh Hòa (3.250 tỷ đồng) của Tập đoàn AMACCAO; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện tuabin khí hỗn hợp sử dụng LNG tại Bình Thuận của Tập đoàn AES (2,1 tỷ USD); dự án nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời với tổng vốn đầu tư dự kiến 50 triệu USD của Công ty CP Create Capital Việt Nam nghiên cứu đầu tư tại Đà Nẵng.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm