A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ sinh được tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương chia sẻ bí quyết học tốt môn Văn

Nhờ tuổi thơ không gắn liền với iPad, điện thoại mà là những trang sách, trang chuyện cổ tích,... tình yêu với môn Văn của Lương cứ thế hun đúc qua từng năm tháng.

Phạm Thị Lương (sinh năm 2003, hiện sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) là sinh viên năm 2 trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Trong kỳ thi đại học, dù đã được xét tuyển thẳng đỗ vào Ngoại Thương bằng giải quốc gia từ trước nhưng Lương vẫn nghiêm túc ôn thi. Điểm Văn thi tốt nghiệp THPT của em được 9,25 điểm.

Trong những năm cấp 3, Lương cũng đạt nhiều giải thưởng về môn Văn. Hiện tại ở đại học, ngoài việc học, Lương tham gia club Marketing; là ban tổ chức của cuộc thi marketing lớn nhất do sinh viên tổ chức - Bản lĩnh Marketer; viết tạp chí Camera 03: Caffein Vỉral. 

Nữ sinh được tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương chia sẻ bí quyết thi tốt nghiệp môn Văn đạt 9,25 điểm - Ảnh 1.

Phạm Thị Lương (sinh năm 2003, Đống Đa, Hà Nội) là sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Em cũng thử sức trong công việc gia sư vì muốn lan tỏa tình yêu môn Văn cho các bạn trẻ, đồng thời muốn trao tặng những tri thức tinh túy mà mình tích lũy được suốt bao năm qua cho các bạn học sinh. 

Lớp 10: Giải Nhì hsg Văn cấp tỉnh; Huy chương Vàng Duyên hải Bắc Bộ môn Văn

Lớp 11: Giải Nhì hsg Văn cấp tỉnh; Giải Khuyến khích cấp Quốc gia môn Văn

Lớp 12: Giải nhất hsg Văn cấp tỉnh; Giải Ba hsg cấp Quốc gia môn Văn

- Đạt học bổng các kì suốt ba năm tại trường chuyên Hà Nam

- Đại diện thế hệ trẻ tỉnh Hà Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Nam ((20/10/1890 - 20/10/2020)

 

Yêu môn Văn vì được mẹ ghi nhận, khen ngợi

Nhờ tuổi thơ không gắn liền với iPad, điện thoại mà là những trang sách, trang chuyện cổ tích,... tình yêu với môn Văn của Lương cứ thế hun đúc qua từng năm tháng. Khi bắt đầu được học tiếng Việt, học Văn, chỉ cần cầm cây bút là Lương ngay lập tức có thể thả hồn vào trang viết. Em nhận ra mình rất thích học môn Văn và dễ dàng khi tiếp nhận nó.

Hồi bé, mỗi lần làm được bài văn hay, Lương luôn tìm mẹ để đọc cho mẹ nghe. Dù đạt hay chưa đạt thì mẹ vẫn luôn ghi nhận, khen ngợi, góp ý trên tinh thần xây dựng. Sự hỗ trợ từ mẹ khiến Lương có động lực nhiều hơn để phấn đấu.

Gắn bó với những cuộc thi Văn và đạt nhiều giải thưởng, cô gái sinh năm 2003 này cho rằng, không có một công thức lý tưởng nào để "pha chế" ra một bài Văn hay. Cách em chinh phục môn học này chính là đặt tình yêu vào nó, tập yêu mến và trân quý ngôn từ, đặt hồn và mang trọn vẹn cảm xúc của mình vào trang giấy.

Hiện để nâng cao vốn sống, vốn từ vựng, Lương vẫn cố gắng duy trì thói quen đọc sách. Với cuộc sống bận rộn hiện tại, ngoài sách giấy, em thường tìm đến sách nói để tận dụng thời gian trong ngày hơn. Thể loại sách em thích nhất là sách Văn học và sách về Kinh tế. Hai thể loại tưởng như mâu thuẫn nhưng lại là chính 2 con đường em đang bước đi.

Nữ sinh được tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương chia sẻ bí quyết thi tốt nghiệp môn Văn đạt 9,25 điểm - Ảnh 3.

Lương và các bạn.

Nắm "gốc rễ" rồi sau đó mới nâng cao

Nhiều người cho rằng, học Văn phụ thuộc vào năng khiếu và khả năng thiên bẩm của từng bạn học sinh. Lương cho rằng, quan điểm này không đúng hoàn toàn nhưng cũng không sai hoàn toàn. Tùy vào đặc thù từng kì thi, môn Văn có những yêu cầu riêng. Sự chăm chỉ giúp học sinh dễ dàng đạt điểm cao trong các kì thi bình thường nhưng chất Văn, giọng Văn riêng, phong cách riêng mới chạm khắc được dấu ấn trong lòng độc giả ở các kì thi học sinh giỏi.

"Em nghĩ mình cũng may mắn có được chút năng khiếu thiên phú. Nhưng theo em, có rất nhiều yếu tố quan trọng trong việc học môn Văn, đó là khả năng tiếp thu, sự tập trung, khả năng ghi nhớ, sự kỉ luật, sự chăm chỉ đọc sách, và cả cảm xúc nữa. Yếu tố quan trọng nhất với cá nhân em là giữ được kỉ luật, phải chăm chỉ luyện viết nhiều mới có khả năng lên tay được", Lương chia sẻ.

Nữ sinh được tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương chia sẻ bí quyết thi tốt nghiệp môn Văn đạt 9,25 điểm - Ảnh 4.

Trong việc học tốt môn Văn, Lương khuyên các bạn hãy tự mình tìm kiếm niềm vui trong môn Văn và đừng bao giờ áp lực.

Trong kỳ thi đại học, Lương ôn luyện bằng việc đọc kĩ các văn bản sách giáo khoa để hệ thống lại kiến thức cơ bản. Khi phát hiện hổng kiến thức ở đâu thì bổ sung ngay. Có thể xâu chuỗi lại kiến thức bằng cách ghi lại những luận điểm chính của tác phẩm. Chỉ khi đọc văn bản nắm vững được gốc rễ căn bản mới có thể phát triển ra những "nhánh lá, nhánh hoa" diễn đạt bay bổng được. 

Ngoài ra, em hay tìm tòi đọc thêm những bài phân tích khác trên mạng, những tư liệu mới lạ và gạn đục khơi trong, kết hợp với kiến thức cùng giọng Văn của riêng mình để hoàn thành bài viết tốt nhất. Lương khuyên với kỳ thi tốt nghiệp THPT, các sĩ tử cần phải viết rõ ý trước thay vì viết dài dòng nhưng lan man, không tập trung vào vấn đề chính. 

Lúc làm bài thi, Lương không quá rạch ròi phân chia thời gian, bời quá trình luyện đề, luyện viết ở nhà đã giúp em tự cân đối dung lượng để biết viết tới đâu là dừng được.

Một vài lưu ý khi làm bài thi của Lương:

- Hãy chuẩn bị ít nhất 2 cây bút mực thật tốt mình đã quen viết từ ở nhà.

- Hãy chuẩn bị một tâm thế tự tin, đúng như luật hấp dẫn. Em luôn tự nhủ với bản thân rằng mình sẽ làm tốt. Nếu bạn cảm thấy "run sợ" khi xung quanh các bạn liên tục xin giấy thì hãy nhắm mắt hít thở thật sâu 3-5 giây để bình tĩnh trở lại và tiếp tục tăng tốc. Hãy coi như đây là một bài kiểm tra bình thường như bao bài khác và hãy tận hưởng nó bằng tất cả cảm xúc mình có.

- Những kì thi Văn, Lương thường viết tên một người, một điều hoặc một câu nói truyền động lực ra giấy nháp thi để khi căng thẳng sẽ nhìn nó và mỉm cười tự tin trở lại.

Trong việc học tốt môn Văn, Lương khuyên các bạn hãy tự mình tìm kiếm niềm vui trong môn học này và đừng bao giờ áp lực. Bởi cảm xúc có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình học Văn. Môn Văn càng không nên học tủ, học thuộc vì sẽ dẫn đến việc gò bó cảm xúc, khả năng sáng tạo. Nên học chắc tất cả các tác phẩm, kết hợp với đọc phân tích để biết cách triển khai chứ không nên đọc thuộc phân tích.

"Hãy đọc bất cứ thứ gì bạn muốn, miễn là có chữ. Hãy cứ ''ngấu nghiến'' ngôn từ và rồi bạn sẽ ngạc nhiên với năng lực Văn học của mình. Đừng quên việc tìm cho mình một người thầy, một người bạn, hay đơn giản là một chiếc máy tính có kết nối mạng để giải đáp mọi thắc mắc bất cứ lúc nào", nữ sinh Ngoại thương chia sẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm