Nhà xuất bản tăng giá sách giáo khoa: Vai trò của Bộ GD&ĐT ở đâu?
Người dân đã phải chờ quá lâu để có được câu trả lời cuối cùng về những bất hợp lý trong giá sách giáo khoa (SGK) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN). Đồng thời cũng tìm được câu trả lời tại sao năm nào NXB này cũng luôn kêu lỗ nhưng thực chất lại đang lãi đến hàng trăm tỷ. Trong khi đó, vai trò của Bộ GD&ĐT trong câu chuyện này cũng cần được làm rõ.
Tăng giá SGK vì lỗ
Với chương trình giáo dục cũ, trong 1 thập kỷ (2011 - 2019), NXBGDVN có 2 lần điều chỉnh tăng giá SGK. Trong đó, năm 2011, NXBGDVN điều chỉnh tăng giá cuốn cao nhất là gần 17%. Khi đó, lãnh đạo NXBGDVN lý giải do tất cả các mặt hàng đều tăng giá. Đặc biệt giá giấy nguyên liệu tăng tới 30%, công vận chuyển cũng tăng gần gấp đôi. Các nhà in cũng đồng loạt gửi công văn tới NXBGDVN yêu cầu tăng giá công in, nếu không tăng sẽ không nhận in sách. Vì vậy, nhà xuất bản này đã phải nghiên cứu phương án điều chỉnh giá SGK rồi báo cáo Cục Quản lý giá xem xét, trình Bộ Tài chính phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý cho tăng giá.
Phụ huynh, học sinh bị “móc túi” suốt thời gian qua khi mua SGK của NXBGDVN. Ảnh: Mạnh Thắng
Lãnh đạo NXBGDVN cũng cho biết năm 2010, doanh thu SGK của họ là 522 tỷ đồng, lỗ 100 tỷ đồng. Đến năm 2019, giá bán của các bộ SGK từ lớp 1 đến lớn 12 cũng được NXBGDVN điều chỉnh tăng bình quân 1.000-1.800 đồng/cuốn. Giá SGK không thay đổi trong suốt 8 năm qua. Trong khi đó, các chi phí đầu vào như nhân công, nguyên, nhiên vật liệu, vận chuyển... đều tăng, khiến hoạt động xuất bản - phát hành SGK của nhà xuất bản này liên tục bị lỗ trong những năm từ 2014 đến 2018. Gần nhất là năm 2017, NXBGDVN lỗ 38 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 50 tỷ đồng.
Tháng 7/2022, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định số 1886 thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV NXBGDVN. Ông Thái tại thời điểm ấy được nhận định là có những vi phạm nghiêm trọng, đến mức phải kỷ luật như: có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo NXBGDVN tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK mới.
Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm của NXBGDVN, khác hoàn toàn với những gì mà NXB này đã thông tin với báo chí và xã hội. Như báo Tiền Phong phản ánh, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK và hạch toán của NXBGDVN có sai sót dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK giá rất đắt.
Cùng với đó, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh SGK còn một số vi phạm, dẫn đến giá sách được đăng ký từ năm 2011 cao bất hợp lý…
Hết độc quyền cũng vẫn tăng giá
Chương trình Giáo dục phổ thông mới sử dụng nhiều SGK hướng tới mục tiêu xã hội hóa, cạnh tranh lành mạnh để người dân được tiếp cận, sử dụng SGK có chất lượng tốt với giá thành phù hợp. Nhưng thực tế, mỗi một năm học, giá SGK lại tăng thêm.
Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai với khối lớp 3, 7, và lớp 10. Theo công bố công khai của NXBGDVN, một bộ SGK cho các lớp thay sách đắt gần gấp đôi, gấp 3 so với sách dành cho chương trình cũ. Trước đó, vào năm học 2021-2022, phụ huynh cũng đã được “nếm mùi lạm phát” khi bộ SGK mới dành cho khối lớp 2 và 6 cũng tăng chóng mặt.
Liên quan đến giá SGK tăng, ngày 25/5/2022, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc so sánh giá SGK mới và cũ là không tương đồng, bởi sách của chương trình mới được thực hiện xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Hơn nữa, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành do các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính. Trong khi đó, NXBGDVN vừa công bố “Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021”. Theo đó, nhà xuất bản này phát hành 164,6 triệu bản SGK trong năm 2021, đạt 140% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt hơn 1.828 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu chủ yếu từ phân phối SGK và các khoản doanh thu khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế của nhà xuất bản này đạt 287,4 tỷ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT giao. Khi chưa thực hiện thay SGK mới, năm nào NXBGDVN cũng báo cáo lỗ khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm. Từ năm học 2020 - 2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục mới, giá SGK mới đã tăng cao hơn sách của chương trình cũ từ 3 - 4 lần và nhà xuất bản này đã báo cáo có lãi.
Trước sức ép của dư luận về giá SGK tăng cao, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đối với Bộ GD&ĐT tìm các giải pháp giảm giá SGK. Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị yêu cầu giảm giá SGK, không ép mua sách bài tập. Tuy nhiên, thực tế, giá SGK mới vẫn ở mức quá cao so với thu nhập của người dân ở vùng khó khăn. Không những thế, ở thế cạnh tranh nhưng giá sách của các nhà xuất bản không chênh nhau. Liệu có hay không tình trạng “nhìn nhau” tăng giá SGK?
Thông tin với phóng viên về kinh nghiệm quản lý giá SGK tại Đức, PGS.TS Nguyễn Văn Cường, chuyên gia giáo dục độc lập, từng có thời gian làm việc tại Đức cho biết, SGK có tuân theo quy định của thị trường. Tuy nhiên các nhà xuất bản muốn xuất bản, phát hành được SGK phải đáp ứng 2 điều kiện. Thứ nhất là bản thảo SGK phải đáp ứng chất lượng theo yêu cầu của chương trình đào tạo do Bộ GD& ĐT quy định. Thứ hai, giá SGK phải hợp lý với giáo dục phổ thông. Nếu các nhà xuất bản “phát” giá cao, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu điều chỉnh. Nhà xuất bản không điều chỉnh, thì bản thảo SGK đó sẽ không được duyệt để đưa vào lưu hành trong thị trường. Đây chính là điểm khác biệt trong công tác quản lý giá SGK ở Đức so với Việt Nam và cũng là điều kiện tiên quyết để cơ quan chức năng có thể “khống chế” được giá SGK phù hợp với đông đảo học sinh và phụ huynh.