A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn

Hội thảo "Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" diễn ra ngày 16/4 nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nói chung và nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng. Dự hội thảo có đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, doanh nhân.

*Nhu cầu lao động ngành bán dẫn tăng cao

Công nghiệp bán dẫn hiện nay đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong thời đại số. Xác định rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, Bắc Giang đã và đang tập trung chỉ đạo đảm bảo điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón nhà đầu tư thuộc lĩnh vực này. Đến nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina vốn đầu tư Hàn Quốc; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Si Flex Việt Nam vốn đầu tư Hàn Quốc; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Synergie Cad Việt Nam vốn đầu tư của Pháp.

Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn là 8.074 người. Lao động được tuyển vào doanh nghiệp đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật chủ yếu tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành về lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang Nguyễn Xuân Ngọc, dự báo thời gian tới, doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục đầu tư và phát triển tại các khu công nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng thêm năm 2024 là 1.866 lao động, giai đoạn 2025-2030 khoảng 6.300 lao động (chủ yếu lao động tốt nghiệp chuyên ngành tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa...).

Tuy nhiên, do ngành công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế, chủ yếu là lao động được đào tạo về các chuyên ngành học liên quan đến lĩnh vực này. Do vậy, lao động Việt Nam được doanh nghiệp tuyển vào đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về công nghiệp bán dẫn chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn đặt ra nên doanh nghiệp đều phải đào tạo lao động từ đầu.

Ông Chung Won Seok, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina cho biết: Tập đoàn Hana Micron có định hướng phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp chất bán dẫn mới tại Việt Nam. Tập đoàn có kế hoạch gia tăng sản xuất, liên kết với các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn để mở rộng phạm vi kinh doanh. Theo kế hoạch đến năm 2025, Công ty tăng vốn đầu tư tại Bắc Giang từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD, tăng lao động gần 3.000 người. Doanh thu dự kiến đem lại 800 triệu USD. Nhân lực tuyển dụng tại Việt Nam sẽ chiếm 70% trong tổng số nhân lực của nhà đầu tư.

* Đa dạng giải pháp phát triển nguồn nhân lực bán dẫn

Bắc Giang hiện có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, 76% là lao động đã qua đào tạo. Để đáp ứng nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn, thời gian qua, một số trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ Việt - Hàn, nắm bắt nhu cầu về nguồn nhân lực ngành bán dẫn, nhà trường tăng cường hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina trong đào tạo, đưa sinh viên đến thực tập và tuyển dụng sau tốt nghiệp. Tháng 11/2023, có 62 sinh viên của trường các ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin được doanh nghiệp này tuyển dụng vào làm việc.

Mới đây, nhà trường bố trí riêng khu vực để làm Trung tâm dành cho đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao bán dẫn cho nhiều doanh nghiệp. Với định hướng thu hút đầu tư, Bắc Giang đang tập trung chỉ đạo Trường Cao đẳng công nghệ Việt-Hàn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, lao động có tay nghề ở lĩnh vực công nghệ bán dẫn, trở thành thế mạnh của tỉnh, cung cấp cho thị trường lao động trong và ngoài nước. Mục tiêu đến năm 2030, trường tiếp tục hợp tác sâu, rộng hơn với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina phát triển hệ sinh thái nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn.

Để tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn gặp không ít khó khăn, cần nhiều thời gian, đào tạo bài bản, chuyên sâu… đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ nhà nước, nhà trường và nhà đầu tư.

Kiến nghị các giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, nhiều ý kiến đều nhấn mạnh, Bắc Giang cần nhanh chóng triển khai đa dạng giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn kịp thời đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động cho doanh nghiệp tại tỉnh.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu cho rằng, Bắc Giang cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhất là với các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh về ngành công nghiệp bán dẫn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức… để tiếp cận đến các nguồn đầu tư FDI và hợp tác quốc tế trong đào tạo. Đồng thời nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục, đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Tỉnh cần chủ động tham gia và tăng cường hợp tác nhà nước, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và tạo đầu ra cho nguồn nhân lực; hợp tác với các trường đại học kỹ thuật lớn trong nước trong hoạt động đào tạo, thu hút giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia quá trình đào tạo và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của tỉnh...

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn đề nghị, trên cơ sở ý kiến chia sẻ tại hội thảo, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khẩn trương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nội dung liên quan để tham mưu UBND tỉnh kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn, AI giai đoạn từ nay đến năm 2030, trong tháng 6/2024, trình UBND tỉnh thông qua.

Trong khuôn khổ hội thảo diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina với Trường Cao đẳng công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang và Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang về liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn./.

Đồng Thúy


Tác giả: Đồng Thị Thúy
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm