Triều Tiên huy động nhân viên văn phòng đi chống hạn hán
Nhân viên văn phòng và công nhân nhà máy ở Triều Tiên đang được điều đến các vùng nông nghiệp trên cả nước để tham gia nỗ lực chống hạn hán, báo chí nhà nước Triều Tiên đưa tin ngày 4/5.
Nông dân Triều Tiên làm việc trên cánh đồng ở tỉnh Hwanghae vào tháng 9/2011. (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ đạo triển khai các biện pháp để khắc phục tình hình lương thực căng thẳng do đại dịch COVID-19 và thiên tai gây ra, dù tình hình đầu năm nay đã cải thiện chút ít.
Hạn hán và lũ lụt trở thành mối đe dọa thường niên đối với nông nghiệp Triều Tiên, trong khi nước này thiếu hệ thống tưới tiêu và những hạ tầng khác. Bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào cũng có thể trở thành đòn giáng mạnh đối với nền kinh tế vốn đã khó khăn vì hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế và tình trạng gián đoạn thương mại.
Báo Rodong Sinmun hôm nay đưa tin các viên chức chính phủ, nhân viên công ty và công nhân nhà máy đã chung tay cùng nông dân trên cả nước phân phối thiết bị bơm nước và phát triển tài nguyên nước ở các vùng dễ gặp hạn hán.
Bài viết không nói rõ thiệt hại do hạn hán gây ra, nhưng cho biết nỗ lực này được triển khai để đối phó với tình trạng hạn hán đang diễn ra và chuẩn bị cho nguy cơ hạn hán sắp tới.
“Những nỗ lực quyết liệt và có hệ thống đang được triển khai để nâng cao nhận thức của người dân và huy động năng lực hiện có nhằm ngăn chặn thiệt hại mùa màng do hạn hán gây ra”, Rodong Sinmun viết.
Ngày 3/5, cơ quan khí tượng Triều Tiên cảnh báo tình trạng hạn hán trên cả nước sẽ kéo dài đến đầu tuần tới, KCNA đưa tin.
Tuần trước, cơ quan khí tượng Triều Tiên cho biết nhiệt độ trung bình trong tháng 4 cao hơn mọi năm 2,3 độ C, trong khi lượng mưa trung bình trên cả nước chỉ đạt 44%.
Ở Anju và Kaechon, khu vực nằm ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, người dân đào ao, bón thêm phân và chất kích thích tăng trưởng cho cây trồng. Máy kéo và xe tải được huy động để đưa nước ra đồng, báo Rodong cho biết.
Tháng 3 vừa qua, Liên Hợp Quốc thúc giục Triều Tiên mở cửa biên giới để các nhân viên tình nguyện đưa hàng viện trợ vào và hoạt động nhập khẩu lương thực được nối lại. Liên Hợp Quốc cảnh báo việc nước này tự cách ly trong thời gian kéo dài có thể đẩy nhiều người vào tình cảnh thiếu đói.
Triều Tiên chưa xác nhận ca mắc COVID-19 nào nhưng đã đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại. Đầu năm nay, nước này nối lại thương mại với Trung Quốc trong một thời gian ngắn.
Theo ước tính của Chương trình Lương thực thế giới, trước khi đại dịch xuất hiện đã có 11 triệu dân, tương đương hơn 40% dân số Triều Tiên, bị suy dinh dưỡng và cần được hỗ trợ nhân đạo.