Thẳng tay “siết” các công ty công nghệ, Trung Quốc vỡ lẽ trong lúc ngặt nghèo
Các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, JD.com và Meituan có các mạng lưới phân phối để cung cấp nhu yếu phẩm cho các thành phố bị phong toả vì Covid-19.
Đợt chấn chỉnh quy định đối với công ty công nghệ lớn (Big Tech) ở Trung Quốc từ cuối năm 2020 đã khiến cổ phiếu lao đao. Theo ước tính của Goldman Sachs Group Inc., các công ty công nghệ trong năm qua đã mất tới 2.000 tỷ USD giá trị thị trường, tương đương 11% GDP của Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh có vẻ nhẹ tay hơn.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị hồi tháng 4, chính phủ tuyên bố sẽ hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của các công ty nền tảng. Liệu đã đến lúc các nhà đầu tư xem xét lại công nghệ Trung Quốc một lần nữa?
Khi Trung Quốc chạy đua để ngăn biến thể Omicron lây lan nhanh chóng bằng biện pháp phong toả trên toàn quốc, chính phủ bắt đầu nhận thấy tính hữu ích của Big Tech.
Các công ty như Alibaba, JD.com và Meituan đã xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, tìm nguồn cung ứng sản phẩm tươi sống từ nông dân và tuyển dụng đội ngũ lao động nhập cư để giao hàng nhanh chóng.
Khi hàng triệu người Trung Quốc không còn ra ngoài mua sắm được nữa, Big Tech sẽ trở nên tiện dụng. Theo chính quyền Thượng Hải, các công ty công nghệ đã điều động khoảng 20.000 người lái xe để giao trung bình 2,5 triệu đơn hàng nhu yếu phẩm mỗi ngày cho 25 triệu dân, những người đã bị cách ly hoàn toàn từ ngày 1/4.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Big Tech và chính phủ vẫn không thoải mái. Theo quan điểm của nhà nước, các công ty công nghệ đã được đối đãi mức thuế "hào phóng" trong nhiều năm. Trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp tiêu chuẩn của Trung Quốc là 25%, các công ty công nghệ đã trả ít hơn rất nhiều.
Những công ty đủ tiêu chuẩn như doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng mức thuế 15%. Thậm chí các công ty được coi là sản xuất phần mềm thiết yếu còn được hưởng mức thuế 10%.
Trong khi đó, những công ty khác đã phải trả nhiều hơn. Theo Bernstein Research, trong năm 2019, các nhà sản xuất rượu cao cấp quốc doanh như Kweichow Moutai Co. và Wuliangye Yibin Co. lần lượt đóng góp 61% và 45% tổng doanh thu của họ cho nhà nước.
Alibaba Group Holding Ltd. và Tencent Holdings Ltd. mỗi bên chỉ trả 4%. Các công ty thương mại điện tử nhỏ hơn như Pinduoduo Inc. và JD.com Inc. nằm cuối danh sách của Bernstein, hầu như không đóng góp gì.
Vì vậy, không có vấn đề gì khi chính phủ yêu cầu các công ty công nghệ hy sinh nhiều hơn. Trong trường hợp cụ thể, dịch vụ giao hàng tạp hoá của Big Tech trong thời gian phong toả có thể chịu lỗ lớn.
Việc thuê người lái xe là khá tốn kém. Thông thường, nhân viên giao hàng không thể về nhà vào cuối ngày vì chính phủ muốn giảm thiểu giao thông ra vào các khu dân cư. Do đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải cung cấp nhà ở, hoặc họ có nguy cơ bị các phương tiện truyền thông đưa tin không hay về những người vô gia cư ngủ dưới gầm cầu vào ban đêm.
Cùng với việc yêu cầu các công ty công nghệ đóng thuế nhiều hơn, chính phủ đôi lúc cũng yêu cầu họ cung cấp các dịch vụ thiết yếu mà các doanh nghiệp hướng tới lợi nhuận thường né tránh.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đáng được định giá bao nhiêu? Họ vẫn có những cổ phiếu tăng trưởng hay trở thành tiện ích nhàm chán cung cấp nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình? Nhà đầu tư bắt đáy các công ty công nghệ sẽ phải tự chịu mọi rủi ro.
https://cafef.vn/thang-tay-siet-cac-cong-ty-cong-nghe-trung-quoc-vo-le-trong-luc-ngat-ngheo-20220505100137061.chn