A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư đường vành đai 3 & 4: Tạo sức lan tỏa của các đầu tàu kinh tế

Việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 vào thời điểm hiện nay là phù hợp, tạo sự bứt phá, sức lan tỏa của đầu tàu kinh tế.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 10/6, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu tư dự án đường vành đai 3 và 4 tạo sức lan tỏa của các đầu tàu kinh tế

Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Tạ Đình Thi - đoàn thành phố Hà Nội bày tỏ đồng tình cao với chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với những căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn được phân tích, đánh giá nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhiều ý kiến thảo luận tại Tổ.

"Việc Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này vào thời điểm hiện nay là phù hợp, tranh thủ được thời cơ, thế và lực của đất nước, giảm chi phí, cơ hội và tạo sự bứt phá, sức lan tỏa của đầu tàu kinh tế và trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, các trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước" - đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để hai dự án trên có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, đại biểu cho rằng cần rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây về công tác quy hoạch, bên cạnh việc quy hoạch, hướng tuyến hành lang công trình thì cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.

Về công tác giải phóng mặt bằng, việc cả hai dự án nêu trên đều tách riêng dự án xây dựng công trình và dự án giải phóng mặt bằng, phân chia thành các dự án thành phần, giao cho các địa phương chủ trì thực hiện sẽ thúc đẩy quá trình triển khai nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí.

Việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện mà không xây dựng khung giá chung cho toàn dự án sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng so bì, giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần lưu ý vấn đề này, cần cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tại dự thảo Nghị quyết của các dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, vai trò để tổ chức thực hiện và quản lý dự án được thông suốt và hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - đoàn Hưng Yên khẳng định, việc triển khai thực hiện dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung.

Đồng thời, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế xã hội đồng bộ trong khu vực.

"Việc đầu tư hoàn thành dự án đường vành đai 4 hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở lên" - đại biểu bày tỏ.

Theo đại biểu đoàn Hưng Yên, dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội được chia thành bảy dự án thành phần do các địa phương quyết định đầu tư, đã xác định rõ nguồn vốn để thực hiện và tổ chức triển khai.

Các địa phương trong vùng dự án đã cam kết bố trí đủ nguồn lực theo phân cấp để đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra. Việc chia nhỏ các dự án thành phần, kêu gọi hợp tác công tư, giao cho các địa phương thực hiện theo hình thức cuốn chiếu là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn vốn, rút ngắn tiến độ dự án.

Đại biểu đề nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, làm tốt việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu được phép thực hiện, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, uy tín để tham gia thực hiện dự án.

Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương của dự án đi qua trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để địa phương chủ động trong việc bố trí vốn, bố trí địa điểm tái định cư ngay từ ban đầu khi tuyên án được phê duyệt.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu làm rõ phương án giải phóng mặt bằng, làm rõ lộ trình đầu tư, rà soát để thiết kế và bố trí hệ thống thu phí trạm dừng nghỉ, cầu vượt, hầm chui, đặc biệt là các nút giao trên toàn tuyến, bảo đảm phù hợp, có tính kết nối với hệ thống giao thông trong vùng, từ đó phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu của dự án.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm