Công ty đóng tàu phải đền hơn 1 tỷ euro vì vụ chìm khinh hạm Helge Ingstad?
Hải quân Na Uy đã đưa ra yêu cầu bồi thường số tiền lớn đối với công ty chịu trách nhiệm chế tạo khinh hạm Helge Ingstad.
![]() |
Vào đêm ngày 7, rạng sáng ngày 8 tháng 11 năm 2018, sau khi tham gia cuộc tập trận Trident Juncture của NATO, khinh hạm lớp Fridtjof Nansen mang tên KNM Helge Ingstad của Na Uy đã va chạm với tàu chở dầu Sola TV gần Hjeltefjord ở phía Tây đất nước và chìm ngay sau đó.
Theo số liệu hiện có, 8 trong số 137 thủy thủ bị thương.
Bốn tháng sau, con tàu nặng 5.000 tấn được đưa lên mặt nước. Sau khi kiểm tra chiến hạm, Bộ Tổng tham mưu đi đến kết luận rằng tình trạng của nó quá tệ và sẽ tốn khoảng 1,4 tỷ euro để phục hồi. Vì vậy, giới chức quân sự quyết định đưa con tàu đi tháo dỡ lấy sắt vụn.
Cuộc điều tra về hoàn cảnh xảy ra tai nạn cho thấy thủy thủ đoàn của KNM Helge Ingstad thiếu kinh nghiệm và được đào tạo không đầy đủ.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra cũng chỉ ra những vấn đề về độ khít giữa các khoang của tàu, đặt ra câu hỏi về năng lực của đơn vị đóng tàu - công ty Navantia của Tây Ban Nha.
Các khinh hạm lớp Nansen được phát triển dựa trên dự án F-100, bao gồm 5 chiếc đang phục vụ trong Hải quân Tây Ban Nha. Đại diện của Navantia cho biết con tàu bị hư hại nhiều hơn dự kiến.
Một lý do khác khiến tàu bị chìm là thủy thủ đoàn đã di tản mà không đóng các vách ngăn và cửa sập, khiến tàu không duy trì được sự ổn định và khả năng nổi.
Vụ va chạm với tàu hàng khiến Hải quân Na Uy mất đi một khinh hạm tàng hình tối tân.
Hải quân Na Uy tin rằng chiến hạm này có lỗi thiết kế khi cho rằng không giống như F-100, nước sẽ vẫn thấm vào tàu bất chấp được thiết kế với nhiều khoang kín nước.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Quốc phòng Na Uy đã yêu cầu Navantia bồi thường số tiền hơn 1 tỷ euro. Công ty trả lời rằng vấn đề thiết kế này đã được xác định trước khi tàu KNM Helge Ingstad bị chìm, nhưng bộ chỉ huy vẫn cho phép con tàu ra khơi.
Cùng lúc đó, giới chức quân sự Na Uy đang cố gắng kiện nhà sản xuất NHIndustries để đòi bồi thường toàn bộ chi phí cho các trực thăng NH-90, vốn đã ngừng hoạt động vào năm 2022 do lỗi thiết kế.