Người lính hai chiến tuyến
'Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô...'.
![]() |
Con đường liên xã chạy qua nhà ông Huỳnh rợp cờ đỏ sao vàng trong ngày lễ trọng. Vừa lẩm nhẩm hát theo tiếng loa truyền thanh, ông vừa lục tủ, tìm vài bộ quần áo bỏ vào chiếc ba lô bộ đội bạc màu giữ từ hồi còn trong quân ngũ.
Tiếng điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia, là cái giọng oang oang quen thuộc của ông Tiến:
- Ông đang làm gì, lên tôi ngay, có mấy thằng Cường, Bấc, Hòa, toàn anh em đơn vị mình tụ họp tại đây. Nhân tiện, ta làm bữa liên hoan chào mừng ngày đất nước thống nhất...
- Nói với anh em thông cảm, tiếng nữa tàu chạy rồi, để khi khác anh em mình hàn huyên với nhau.
- Ông vẫn nhất quyết vào thăm tay lính Việt Nam Cộng hòa ấy? Nếu rảnh thì về đó tìm hài cốt thằng Chiến cho tôi. Nó bị chúng bắn chết còn chưa tìm thấy xác... - ông Tiến bực bội.
Ông Huỳnh định thanh minh điều gì đó, nhưng chỉ nghe tiếng tút dài. “Tính khí lão Tiến này vẫn vậy, cứ nóng như lửa!”. Ông Huỳnh lắc đầu, tủm tỉm cười với suy nghĩ của mình.
Tới hẹn, cậu con trai tranh thủ từ chỗ làm tạt về nhà đưa ông Huỳnh ra ga cho kịp giờ tàu Thống Nhất.
Nằm trên giường tầng có nệm trắng tinh, máy điều hòa nhiệt độ mát lạnh như phòng khách sạn, ông Huỳnh cảm thấy sảng khoái. Ông ngó đầu qua ô cửa kính quan sát cảnh vật hai bên đường. Đất nước thống nhất đã tròn nửa thế kỷ, khung cảnh tiêu điều của chiến trường xưa giờ đã nhường chỗ cho những đô thị sầm uất, đông đúc xe cộ vùn vụt trôi qua hai bên thành tàu. Ngắm chán, ông Huỳnh lim dim đôi mắt nhưng không tài nào ngủ được. Ký ức chiến tranh tràn về...
* * *
Mùa Xuân năm 1975, ta giải phóng Tây Nguyên, quân đội Việt Nam Cộng hòa hốt hoảng. Thừa thắng, ta tiếp tục giải phóng các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng... Nhận thấy cứ đà tiến quân của bộ đội ta thì chỉ thời gian ngắn sẽ xộc thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chúng nên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh ra lệnh xây dựng “tấm lá chắn sắt” chốt chặn Sài Gòn, trong đó có cửa ngõ Xuân Lộc.
Quân đoàn 4 của ông Huỳnh, do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh có nhiệm vụ giải phóng Xuân Lộc, nhưng vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội Sài Gòn.
Ông Huỳnh khi đó là Trung đội trưởng, chỉ huy đơn vị đánh vào một cứ điểm trên tuyến quốc lộ nối với thị xã Xuân Lộc. Sát cánh cùng ông Huỳnh là các ông Tiến, Cường, Bấc, Hòa và Chiến, vừa là đồng đội chung một chiến hào, vừa là đồng hương, sống chết có nhau.
Có thời điểm, đơn vị của ông Huỳnh đã chọc thủng phòng tuyến chiếm được cứ điểm của chúng. Nhưng quân Việt Nam Cộng hòa cố thủ bên trong thị xã, được chi viện bởi không quân vào pháo binh yểm trở đã phản công. Hai bên ở thế giằng co suốt 13 ngày đêm khiến cả ta và địch đều chịu nhiều tổn thất.
Trước tình hình đó, chỉ huy chiến dịch đổi chiến thuật tấn công theo cách phân tán, cắt đứt mối liên kết phòng thủ với Xuân Lộc. Tập trung lực lượng đánh chiếm sân bay Biên Hòa, chặn sự chi viện bằng không quân của địch. Trung đội ông Huỳnh tiếp tục áp sát Xuân Lộc, vừa có nhiệm vụ nghi binh, vừa gây sức ép với quân Việt Nam Cộng hòa ở đây.
Đúng như kế hoạch của ta, sau khi giải phóng các vị trí quan trọng, quân Việt Nam Cộng hòa ở Xuân Lộc hốt hoảng. Thừa thắng, bộ đội bao vây tiến vào giải phóng Xuân Lộc. Nhưng mũi tiến công của ông Huỳnh vẫn vấp phải sự kháng cự quyết liệt theo cách “tử thủ” không còn gì để mất của một đơn vị địch do Thiếu tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy. Trận chiến giằng co ác liệt, đã cướp đi người bạn, người đồng hương thân thiết, liệt sĩ Nguyễn Viết Chiến, hy sinh mà không tìm được thi thể đưa về chôn cất.
Tiểu đội trưởng Tiến đề xuất với Trung đội trưởng Huỳnh báo cáo cấp trên, xin chi viện hỏa lực mạnh nghiền nát chúng để trả thù cho Chiến. Với thế và lực của ta lúc ấy, hoàn toàn có thể xóa sổ nhóm tàn quân này trong chốc lát, nhưng ông Huỳnh không muốn cảnh “nồi da nấu thịt”.
- Đại tướng, Tổng Tư lệnh đã chỉ thị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta đang ở thế bao vây, cô lập địch, chúng chỉ còn con đường chết nếu không chịu đầu hàng! Vậy mà đám tàn quân này còn ngoan cố chống lại. Trung đội trưởng Huỳnh còn chần chừ gì mà không xin cấp trên trút hỏa lực xóa sổ chúng đi?
- Tiểu đội trưởng Tiến bình tĩnh. Họ là ngụy quân thì cũng là người Việt Nam máu đỏ da vàng. Tiêu diệt họ thì dễ, nhưng cha mẹ, vợ con họ sẽ mất đi một người thân. Cũng như chúng ta, có gia đình ở hậu phương, ngày đêm ngóng trông chồng con lành lặn trở về.
- Vậy sự hy sinh của Chiến thì sao? Ngày chiến thắng, trở về, chúng ta biết nói gì với bố mẹ Chiến khi nắm hài cốt của nó cũng không biết hiện tại ở đâu? Trong chiến tranh, nhân đạo là tự sát!
Không khí căng thẳng bao trùm. Sau một hồi suy nghĩ, Trung đội trưởng Huỳnh quả quyết:
- Chắc họ bị đòn tâm lý chiến, sợ bị “tắm máu”, trả thù nên mới cố thủ như vậy. Các đồng chí để cho họ một cơ hội sống nốt đêm nay. Nếu chậm đà tiến quân, tôi xin chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cấp trên.
Thông qua cơ sở nội tuyến của ta, Trung đội trưởng Huỳnh bắn tin tới Thiếu tá Thọ kêu gọi đầu hàng vô điều kiện. Nếu đồng ý thì bắn ba quả pháo sáng làm hiệu lệnh và treo cờ trắng để bộ đội tiến vào.
Ngay tối hôm đó, pháo sáng và cờ trắng được kéo lên tại cứ điểm phòng thủ của địch. Trung đội trưởng Huỳnh dẫn bộ đội tiến gần khu vực lô cốt thì có tiếng hét lớn từ phía địch:
- Quay lại! Quay lại ngay...
Sau tiếng hét, là một tràng tiểu liên vang rền bắn thẳng vào đội hình tiến quân của ta, may mà không có ai thương vong.
- Chúng nó tráo trở. Giả vờ đầu hàng để lừa ta vào tiêu diệt – Tiểu đội trưởng Tiến bức xúc gầm lên, sau khi xả một tràng AK trút giận về hướng tiểu liên bắn ra.
Tiếng súng tiểu liên khựng lại rồi im bặt. Tiểu đội trưởng Tiến định nhổm dậy ra hiệu lệnh xung phong, thì có một cánh tay rắn chắc ghì xuống.
- Bình tĩnh, xem động tĩnh thế nào hãy hành động – Trung đội trưởng Huỳnh ghé tai Tiến nói nhỏ.
Không gian tĩnh lặng bao trùm. Từ lô cốt địch, nơi có họng súng tiểu liên nhả đạn, một bóng người cầm miếng vải trắng vẫy vẫy.
“Định đánh lừa chúng ông nữa chắc”. Tiểu đội trưởng Tiến vừa lẩm nhẩm, vừa chĩa nòng súng về phía bóng người vẫy vẫy định bóp cò thì nghe giọng Trung đội trưởng Huỳnh đanh lại.
- Không được bắn! Đây là mệnh lệnh.
“Tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Thọ, chỉ huy đội biệt động Việt Nam Cộng hòa xin đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng”. Dứt lời, hàng chục binh lính ngụy, lũ lượt bỏ súng đứng dậy xin hàng.
Kế hoạch giải phóng Xuân Lộc diễn ra đúng tiến độ. Trung đội trưởng Huỳnh cùng đơn vị thần tốc tiến về Sài Gòn. Không ai ngờ rằng, tài xế lái chiếc xe Jeep dẫn đường chở Trung đội trưởng Huỳnh và chỉ huy Trung đoàn chính là Thiếu tá Nguyễn Văn Thọ, người đã lập công chuộc tội bằng cách kết liễu tên Thượng úy dưới quyền đã nổ súng vào bộ đội ta.
Sau miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Huỳnh đưa ông Thọ ra trình diện chính quyền cách mạng để đi học tập cải tạo. Đó là một buổi sáng mà nỗi tâm tư hằn rõ trên khuôn mặt đầy trăn trở của ông Thọ. Lúc được cán bộ quân quản đưa đi, ông Huỳnh nhìn vào đôi mắt ông Thọ mà động lòng trắc ẩn.
Bẵng một thời gian, ông Huỳnh nhận nhiệm vụ hành quân bảo vệ biên giới Tây Nam. Nhưng không thể quên đôi mắt của người lính bên kia chiến tuyến, ông quan tâm muốn biết cuộc sống của người lính Việt Nam Cộng hòa ấy bây giờ ra sao, nên trước khi về Bắc đã bắt xe khách tới Bạc Liêu, quê ông Thọ, thì được biết ông ấy và gia đình đã vượt biên bằng đường biển ra nước ngoài?!
Gần đây, ông Huỳnh tình cờ đọc một bài báo, viết về một sĩ quan chế độ cũ, từ tự ti, mặc cảm đã vươn lên làm giàu và có những đóng góp cho quê hương, đất nước nhờ mô hình kinh tế trang trại, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.
Dù thời gian đã lâu, tóc đã bạc, da đồi mồi, hằn dấu thời gian trên khuôn mặt, nhưng ông Huỳnh vẫn nhận ra ảnh nhân vật trong bài báo ấy chính là ông Thọ. Đó là lý do ông trở lại Xuân Lộc, nhưng chủ định lần này không phải tìm hài cốt liệt sĩ Chiến, mà muốn dành cho ông Thọ một sự bất ngờ!
* * *
Nếu nhìn bề ngoài, ai cũng ngỡ rằng, đó là cuộc gặp gỡ của hai người thân, không ngờ lại là cuộc gặp của người lính hai đầu chiến tuyến, đã từng chĩa mũi súng vào nhau.
- Đây là ông Huỳnh ân nhân của ba. Nếu không có sự nhân từ của ông ấy, thì ba cùng nhóm binh lính chế độ cũ đã bị đạn pháo cùng xích xe tăng bộ đội nghiền nát...
- Chúng ta là những người đồng bào, chỉ vì chiến tranh mà chia đôi chiến tuyến. Mà thôi, chuyện đó nói sau, hôm nay tôi về thăm anh, muốn biết cuộc sống hiện tại ra sao. Trước đây, tôi đã về quê anh tìm, được biết cả gia đình đã vượt biên?
Ngày ấy, trước khi có quy chế định cư tại Hoa Kỳ theo diện “HO” dành cho sĩ quan phục vụ trong chính quyền Sài Gòn, một số ngụy quân, ngụy quyền đã tìm cách vượt biển vì e ngại bị phân biệt đối xử, nhưng ông Thọ thì không.
Ông tin vào chế độ mới, như tin vào lòng nhân ái của ông Huỳnh. Thời gian minh chứng đó là một quyết định đúng. Hòa hợp, hòa giải dân tộc càng ngày càng kéo những sĩ quan, viên chức trong chế độ cũ trở về và có những đóng góp cho đất nước.
Sau khi dẫn ông Huỳnh đi xem mô hình trang trại, kết hợp với chế biến sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU, ông Thọ yêu cầu lái xe riêng tiếp tục tới nghĩa trang liệt sĩ của huyện.
- Hẳn ông còn nhớ cuộc chiến giành giật từng mét đất dưới chân Núi Thị giữa chúng tôi và bộ đội Bắc Việt.
- Vâng, làm sao tôi có thể quên được, vì chính tại nơi đây, người bạn thân thiết, người đồng hương của tôi đã hy sinh. Chúng tôi đã nhiều lần trở về nơi đây tìm kiếm, nhưng không có kết quả...
Ông Thọ lặng người khi nghe ông Huỳnh kể về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Chiến. Đột nhiên, ông Thọ run run, nắm lấy bàn tay ông Huỳnh kéo về ngôi mộ ở cuối nghĩa trang.
- Hài cốt liệt sĩ nằm trong ngôi mộ khuyết danh này, tôi đã bí mật chôn cất sau cuộc tái chiếm của quân cộng hòa. Sợ mộ bị thất lạc, nên sau học tập cải tạo tôi đã quay lại và quyết định gắn bó với mảnh đất này. Khi chính quyền quy tập hài cốt liệt sĩ, tôi đã cung cấp thông tin để di chuyển ông ý tới đây. Tôi linh cảm, người nằm trong ngôi mộ chính là đồng đội, đồng hương của ông...
Từ thông tin mà ông Thọ cung cấp, ghép nối với thông tin của các ông Tiến, Bấc, Hòa, những người tận mắt chứng kiến giây phút liệt sĩ Chiến hy sinh, hài cốt trong ngôi mộ khuyết danh đó được xác định là của liệt sĩ Nguyễn Viết Chiến, người đồng đội mà ông Huỳnh cùng các cựu chiến binh đã tìm kiếm suốt hàng chục năm chưa có kết quả...
- Chiến ơi! Thế là chúng tao đã làm tròn lời hứa với bố mẹ mày rồi. Chắc ở nơi chín suối, ông bà cũng mãn nguyện...
Rồi như sực nhớ ra điều gì, ông Tiến đứng dậy quệt nước mắt, tiến lại chỗ ông Thọ đứng, bắt tay người lính bên kia chiến tuyến mà ông đã từng chĩa nòng súng AK vào chực bắn.
- Xin cảm ơn ông đã chôn cất và báo tin với chính quyền để đưa Chiến về đây! Nếu không có ông, thì hài cốt bạn tôi đang vùi dưới đất đâu đó ở chân Núi Thị mà không người hương khói...
Nhìn cuộc gặp gỡ giữa hai người lính một thời đối địch, ông Huỳnh suy nghĩ: Hòa hợp và hòa giải dân tộc như một lẽ tự nhiên từ con tim mỗi người dân cùng chung dòng máu Tiên Rồng. Đó cũng là cái nghĩa đồng bào của dân tộc mà không thế lực nào có thể chia cắt được.
- Tôi có thể kết nghĩa anh em với ông Huỳnh, ông Tiến - những người tôi đã nợ một mạng sống hay không? - ông Thọ siết chặt tay ông Huỳnh nói.
- Được chứ! Cuộc gặp gỡ hôm nay là trời định! Ông Huỳnh nhiều tuổi nhất là anh cả, tôi ít tuổi nhất là em út... - ông Tiến nhanh nhảu trả lời thay ông Huỳnh. Cả ba người vui vẻ cười vang…