Ứng phó với điều tra phòng vệ thương mại: Ngành gỗ đã sẵn sàng
Gỗ là một trong những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu, nhưng cũng thường xuyên đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Liên tiếp gần đây, sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu bị nhiều quốc gia khởi xướng, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Hiện nay sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Trong hai năm 2020 - 2021 đại dịch bùng phát, dù gặp nhiều khó khăn song tăng trưởng xuất khẩu gỗ vẫn rất tích cực. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Khi hàng hóa thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế thì chắc chắn không thể tránh khỏi các hàng rào về bảo hộ mậu dịch. Mặt khác, hiện đang có xu thế bảo hộ của các quốc gia, nhằm bảo vệ lợi ích ngành sản xuất trong nước, thông qua việc tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, như: Hoa Kỳ, châu Âu, Canada, Úc... Do đó, nguy cơ gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối sản phẩm gỗ, tôi cho rằng là điều rất bình thường.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam |
Trên thực tế, nhiều sản phẩm gỗ xuất khẩu của chúng ta đã bị nước ngoài khởi xướng điều tra và áp dụng thuế phòng vệ thương mại, như: Sản phẩm gỗ dán xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc đang bị áp thuế trên 10%; ghế bọc đệm xuất khẩu sang Canada cũng phải chịu mức thuế trên 100%. Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã liên tiếp khởi xướng các vụ việc điều tra, trong đó tập trung nhóm sản phẩm tủ bếp, bàn trang điểm và các bộ phận để lắp ráp. Mới đây, gỗ dán và tủ gỗ – một sản phẩm rất quan trọng của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang bị Hoa Kỳ điều tra.
Các vụ việc được Hoa Kỳ nêu lý do rằng, sản phẩm Việt Nam có dấu hiệu sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ thị trường thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng, sau đó lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.Các vụ việc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang thị trường này, trước tình hình đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương tích cực gửi ý kiến phản biện tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đưa ra nhiều bằng chứng, căn cứ để chứng minh sản phẩm mà chúng ta đang xuất khẩu đảm bảo các yêu cầu, cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định của thị trường.
Trước các nguy cơ về điều tra của thị trường, theo ông cần cải thiện nhận thức của doanh nghiệp để ứng phó, tránh các thiệt hại?
Chúng ta phải thừa nhận năng lực ứng phó phòng vệ thương mại của doanh nghiệp nói chung và ngành gỗ nói riêng vẫn còn hạn chế. Trong ngành gỗ, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn đã ý thức rõ đây là vấn đề quan trọng, quyết định tới sự tồn tại của doanh nghiệp, còn hầu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm tới các yếu tố, quy định về phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu, trong khi sản phẩm gỗ là mặt hàng rất nhạy cảm liên quan đến môi trường, đa dạng sinh học.
Triển khai nhiều giải pháp để xuất khẩu gỗ bền vững |
Trong bối cảnh bảo hộ gia tăng, tôi cho rằng, doanh nghiệp phải xác định rằng, không ai có thể làm thay mình khi tiếp cận thị trường quốc tế, do đó, khi đã quyết tâm ra biển lớn phải sẵn sàng đối diện “sóng gió”; trong quá trình sản xuất, kinh doanh cần phải nghe ngóng, xem xét, nắm bắt những diễn biến từ bên ngoài để chủ động đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời hơn.
Đến nay, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hỗ trợ của cơ quan quản lý, nhất là Bộ Công Thương trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài?
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề phòng vệ thương mại là hết sức quan trọng. Thời gian qua, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại đã đồng hành với ngành gỗ trước các vụ việc phòng vệ thương mại. Trong nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của ngành gỗ, nhất là các vụ điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếng nói từ Bộ Công Thương đã đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ được lợi ích cho hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, hệ thống cảnh báo sớm Bộ Công Thương rất hữu ích, có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Nhiều vụ việc của ngành gỗ đã nhận được cảnh báo sớm và kịp thời ứng phó hiệu quả.
Trước xu thế bảo hộ gia tăng trong khi ngành gỗ đang đẩy mạnh xuất khẩu, do vậy ngoài sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại.