A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nghiệp - Động lực tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc

Với mức tăng trưởng 16,61%, ngành công nghiệp được đánh giá là động lực tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, những tháng đầu năm, kinh tế Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, số ca nhiễm mới tăng mạnh ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong đó nhiều ca mắc mới trong cộng đồng và các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Song với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, doanh nghiệp, tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc quý I/2022 đạt 7,64%; quý II với sự linh hoạt thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong trạng thái chủ động mở cửa du lịch đã giúp các hoạt động dịch vụ hồi phục gần như hoàn toàn như trước khi xuất hiện dịch.

Tốc độ tăng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017- 2022 (%)

Công nghiệp động lực tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc

Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế ước tăng 10,10%, tuy thấp hơn mức tăng 14,46% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng là mức tăng cao nhất giai đoạn 2017-2020. So với các địa phương trong cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Cụ thể, các tỉnh có mức tăng trưởng cao hơn là: Bắc Giang 24,03%; Bắc Ninh 14,7%; Thanh Hóa 13,41%; Quảng Nam 12,76%; Khánh Hòa 12,58%; Hải Dương 11,82%; Hải Phòng 11,1%; Hậu Giang 11,0%; Quảng Ninh 10,66%.

Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, là động lực cho tăng trưởng chung của tỉnh Vĩnh Phúc. Với giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 tăng 15,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngành công nghiệp tăng 16,61%, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của tỉnh là 7,58 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 ước tăng 17,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, IIP ước tăng 15,60% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý II/2022 tăng 16,69%.

Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp cấp II, có 19/24 ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, 5/24 ngành có chỉ số sản xuất giảm. Một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn duy trì tốc độ tăng khá, phát huy vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp của tỉnh: Sản xuất linh kiện điện tử tăng 25,64%; sản xuất trang phục tăng 14,12%; dệt tăng 9,15%; sản xuất xe máy tăng 5,25%; sản xuất ô tô tăng 4,06%; sản xuất kim loại tăng 2,14%...

Tốc độ tăng/giảm IIP của tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2022 so cùng kỳ của một số ngành công nghiệp cấp II (%)

Công nghiệp động lực tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng đầu năm 2022 đều có sản lượng sản xuất tăng so cùng kỳ năm trước. Ước tính các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến sản xuất được: 158.456 tấn thức ăn gia súc, gia cầm, tăng 2,33%; 6.727 nghìn đôi giày thể thao, tăng 6,59%; 11.520,2 nghìn m2 gạch ốp lát, tăng 21,31%; 32.070 xe ô tô các loại, tăng 4,06%; 800.433 xe máy các loại, tăng 5,25%; doanh thu sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 94.217 tỷ đồng, tăng 25,64% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6/2022 tăng 4,11% so với tháng trước và tăng 8,82% so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 6/2022, thị trường lao động của tỉnh có sự tăng trưởng khá, nhiều doanh nghiệp công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm số lượng lớn lao động nhằm gia tăng năng lực sản xuất, đảm bảo hoàn thành tiến độ các đơn hàng đã ký kết.

Cụ thể, một số doanh nghiệp có số lượng lao động đang làm việc tăng cao so với tháng trước, bao gồm: Công ty TNHH Compal Việt nam tăng 2.500 lao động; Công ty TNHH Partron Vina tăng 417 lao động; Công ty TNHH Jahwa Vina tăng 165 lao động.

Công nghiệp động lực tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ở Vĩnh Phúc tại thời điểm 1/6/2022 tăng 4,11% so với tháng trước và tăng 8,82% so với cùng kỳ năm 2021

Chia theo ngành kinh tế cấp I, chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,16%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,06%; hai ngành còn lại là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí và ngành khai khoáng có chỉ số sử dụng lao động ổn định so với tháng trước.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2022 ước giảm 4,46% so với tháng trước và tăng 4,84% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành tăng 6,39% so cùng kỳ năm 2021. So với tháng trước, 10/18 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tiêu thụ tăng; trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá như: Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 8,01%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 5,94%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5,79%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 5,16%. 8 ngành còn lại có chỉ số tiêu thụ trong tháng giảm, giảm mạnh nhất là ngành sản xuất xe có động cơ và ngành sản xuất thiết bị điện với mức giảm lần lượt là 20,74% và 18,16%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2022 tăng 3,20% so với tháng trước, nhưng đã giảm 22,52% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, 11/18 ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho tăng, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng mạnh là: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 24,18%; sản xuất xe có động cơ tăng 16,35%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 12,82%; dệt tăng 12,70%. 7 ngành công nghiệp còn lại có chỉ số tồn kho giảm, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm đáng kể là: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 24,35%; sản xuất trang phục giảm 9,45%…

Mặc dù được đánh giá là động lực tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc, song một số ngành công nghiệp có tỷ lệ tồn kho tăng đáng kể trong tháng 6/2022 so với tháng trước cũng đặt ra lo ngại ngành công nghiệp 6 tháng đứng trước những khó khăn. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu ngành công thương địa phương bám sát các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường mở rộng thị trường, chú trọng phát triển thị trường trong nước.

Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc: Ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp các tháng đầu năm đều duy trì mức tăng 2 con số, cho thấy sự phục hồi rõ nét trong hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm