Thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội
Ngành Bảo hiểm xã hội đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp với mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay.
Gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội
Báo cáo của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2023, với khoảng 18,518 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 7,87% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 16,781 triệu người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,737 triệu người. Cả nước có 15,067 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, ngành bảo hiểm xã hội đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm y tế và đạt kết quả tích cực. Chính sách bảo hiểm y tế đã thu hút khoảng 92,511 triệu người tham gia (tăng 1,36% so với cùng kỳ năm 2023).
Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 282.809 tỷ đồng, tăng 24.698 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Ngành bảo hiểm xã hội đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội và đạt kết quả tích cực |
Về công tác giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mặc dù số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đều tăng nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo đảm đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng. Qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn trước sự khó khăn chung của nền kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.
Ước tính, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết 109.155 hồ sơ trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; 115.333 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết 560.840 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Cả nước có hơn 14,7 triệu người đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Khẳng định vai trò trụ cột trong lĩnh vực an sinh xã hội
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Theo đó, toàn ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi, chính lý các luật, đặc biệt các nội dung liên quan tới Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã ban hành sau khi được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV để cụ thể hóa, triển khai thực hiện với mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay.
Liên quan đến mục tiêu trên, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, toàn ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các luật liên quan đến nhiệm vụ của ngành thời gian tới.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng gia tăng |
Trong đó, chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của ngành để nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc, qua đó đưa ra các kịch bản, chương trình kế hoạch để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.
Các cơ quan bảo hiểm xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là Luật Bảo hiểm xã hội vừa mới được Quốc hội thông qua. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Hiện nay, với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bên cạnh chế độ hưu trí và tử tuất, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh, do ngân sách nhà nước bảo đảm, người lao động không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.