A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy hiệu quả kinh tế số trong thương mại, du lịch

Mạng viễn thông tỉnh Đồng Tháp có 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh đã phủ sóng thông tin di động 3G, 4G (hơn 4.350 trạm), không lõm sóng và có đường truyền Internet cáp quang FTTx. Điều này góp phần phát huy hiệu quả kinh tế số trong lĩnh vực thương mại, du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, tỉnh cũng vừa triển khai mô hình thí điểm “Xã thương mại điện tử Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”. Theo đó, xã Mỹ Xương thực hiện việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực thông qua các hình thức bán hàng trực tiếp, bán hàng gián tiếp và có ứng dụng công nghệ số trong thanh toán qua các giao dịch thương mại điện tử. Các nông sản là đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương được quảng bá giới thiệu và kinh doanh trên môi trường trực tuyến; có chuỗi sản xuất liên kết tiêu thụ hàng hóa bền vững, từng bước xây dựng được vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về sản lượng, chất lượng của thị trường. Chợ Mỹ Xương áp dụng kinh doanh trực tuyến và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, livestream bán hàng nông sản của xã; có bến thủy nội địa, tuyến giao thông, điểm tập kết hàng hóa. Xã cũng đầu tư, nâng cấp website www.nongsancaolanh.com có tích hợp đặt hàng trực tuyến và liên kết với các sàn thương mại điện tử; tăng cường giới thiệu và nhân rộng mô hình “Cây xoài nhà tôi”; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử để quảng bá và kinh doanh sản phẩm; triển khai hỗ trợ hoạt động giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử, có áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc bán hàng và mua sắm trên môi trường điện tử đã trở thành thói quen của đa số người tiêu dùng tỉnh. Đồng Tháp có hơn 438 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Postmart... Sở đã vận hành Cổng du lịch thông minh, trong đó có ứng dụng công nghệ thực tế ảo để quảng bá 4 địa điểm du lịch: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Làng hoa Sa Đéc, Khu văn hóa Phương Nam, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.

Còn tại Sở Giao thông vận tải tỉnh, việc thực hiện kinh tế số cũng được triển khai rộng với mô hình điểm Thanh toán vé xe không dùng tiền mặt. Mô hình áp theo 2 hình thức: hình thức online thông qua việc tạo phần mềm tại đơn vị thí điểm để hành khách thao tác đặt vé, chọn điểm đi, điểm đến, thời gian đi, số lượng vé, số lượng ghế ngồi (giường nằm), xe trung chuyển… Hành khách có thể lựa chọn hình thức thanh toán qua các kênh: thẻ ATM, thẻ Visa, VNPay, Momo, ZaloPay, ShopeePay.... Với hình thức offline (trực tiếp), hành khách đặt vé qua tổng đài của đơn vị thí điểm hoặc trực tiếp tại quầy bán vé, nhân viên hỗ trợ sẽ thao tác đặt vé cho hành khách. Hành khách sẽ quét mã QR sau khi đặt vé và thanh toán qua các kênh: thẻ ATM, thẻ Visa, Vnpay, Momo, Zalopay, ShopeePay... Khi khách hàng thanh toán tiền vé thành công, mã vé sẽ tự động gửi về số điện thoại của khách hàng.

Thanh toán vé xe không dùng tiền mặt giúp người dân đi lại thuận tiện, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động vận chuyển.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng từng bước ứng dụng các hệ thống thông minh trong quá trình hoạt động sản xuất như: hệ xử lý kho thông minh, hoạch định tài nguyên doanh nghiệp, lập kế hoạch và quản lý sản xuất. Nổi bật như với các ngành điện, nước, phần lớn khách hàng đã cài đặt và sử dụng ứng dụng chăm sóc khách hàng qua ứng dụng Zalo; 46,81% số công tơ điện được đo, đếm thông qua hệ thống ghi điện từ xa, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

Nguyễn Văn Trí


Tác giả: Nguyễn Văn Trí
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm