Học nghề ở tuổi 30: Quá muộn để "đổi hướng"?
Ở độ tuổi ngoài 30, đa số mọi người đã ổn định về công việc. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn có những người muốn thay đổi công việc để tìm một hướng đi mới trên hành trình phát triển sự nghiệp của bản thân.
Học viên học nghề làm tóc tại Trung tâm đào tạo. |
Thế nhưng, nhiều người lo ngại không biết rằng, độ tuổi này có quá muộn để bắt đầu hay học nghề hay không?
Vượt qua rào cản tâm lý
Cảm thấy công việc hiện tại không còn phù hợp với xu thế, anh Đỗ Văn Vinh, 32 tuổi (Bỉm Sơn, Thanh Hoá) mạnh dạn lựa chọn thử ở một lĩnh vực mới. Anh Vinh cho biết trước đây, anh là giám sát tại các công trình xây dựng với mức lương ổn định. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nền kinh tế có nhiều biến động, các nhà thầu xây dựng vừa phải đối mặt với 3 năm dịch bệnh Covid-19, vốn đầu tư hạn chế, lại phải đối mặt với sự đình trệ của thị trường bất động sản. Vì vậy dẫn tới thiếu việc làm, nhiều doanh nghiệp xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản, công việc của anh Vinh cũng không còn được như trước. Các nhà thầu không tất toán khiến thu nhập của anh sụt giảm, bấp bênh.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, nhận thấy ngành công nghệ thông tin (IT) đang trở thành một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất tại Việt Nam, anh Vinh lựa chọn học nghề lập trình. Anh Vinh tâm sự, khi biết anh đưa ra quyết định “làm lại” ở độ tuổi đã ngoài 30, gia đình đã không ủng hộ.
“Bố mẹ, họ hàng đều khuyên tôi không nên đi học mà cứ duy trì công việc hiện tại, kiên nhẫn đợi thị trường phục hồi bởi mức thu nhập vẫn đủ duy trì cuộc sống. Ở độ tuổi này, việc bắt đầu học một nghề mới sẽ rất mất thời gian, tiền bạc, và mọi thứ đều sẽ muộn hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Bản thân tôi cũng phải đấu tranh nội tâm rất nhiều, cũng có suy nghĩ e ngại khi mình đã ở độ tuổi ngoài 30 mà vẫn đi học với lớp trẻ. Chưa kể, học xong cũng mất thời gian rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm chứ chưa thể ‘lành nghề’ ngay được”, anh Đỗ Văn Vinh chia sẻ.
Khi đã vượt qua rào cản tâm lý, anh Vinh lại thấy việc bắt đầu lại không quá khó khăn. “Khi đã trải qua một giai đoạn nhất định trong sự nghiệp, việc dừng lại để nhìn nhận lại bản thân và tìm kiếm những cơ hội mới là điều vô cùng cần thiết. Tôi đã vượt qua tâm lý ngại thay đổi để bước đi trên con đường mình chọn lựa. Khi tới lớp, tôi nhận ra không chỉ có mình mà rất nhiều người ở độ tuổi của tôi, thậm chí hơn vẫn đi học nghề bình thường. Để có thu nhập cho bản thân, vừa học tôi vẫn vừa nhận thêm một số công việc bên ngoài để trang trải cuộc sống”, anh Vinh cho biết.
Ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, không hiếm các học viên trên 30 tuổi, thậm chí 40, 50 tuổi vẫn đi học nghề. Những học viên này thường thuộc hai nhóm đối tượng chính.
Nhóm thứ nhất, giống như trường hợp anh Đỗ Văn Vinh. Đó là những người đang đi làm thuê. Họ đi học với mong muốn tự chủ cuộc sống và có một nghề nghiệp ổn định.
Nhóm thứ hai là những người đã đạt được một số thành công nhất định trong sự nghiệp nhưng vẫn không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức và kỹ năng, có thêm những cơ hội phát triển mới.
Theo ông Khải, thị trường lao động có rất nhiều người trẻ tuổi, năng động và nhiệt huyết. Thế nhưng, những người ở độ tuổi ngoài 30 cũng có nhiều thế mạnh nhất định. Trước hết, họ đã tích lũy được kinh nghiệm sống phong phú bởi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Điều này sẽ giúp học viên nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập mới và giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, những người khi đã quyết tâm đi học ở độ tuổi này, chứng tỏ họ có sự chín chắn và kiên trì.
“Mạng lưới quan hệ rộng rãi được họ xây dựng trong quá trình làm việc cũng sẽ giúp các bạn dễ dàng tìm kiếm cơ hội việc làm mới và nhận được sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Ngoài ra, hầu hết ở độ tuổi ngoài 30, các bạn đã có thể tự lập về tài chính và có khả năng quản lý thời gian hiệu quả để chủ động hơn trong việc học tập và rèn luyện kỹ năng. Hiện nay, thị trường lao động ngày càng đa dạng, với nhiều ngành nghề mới nổi và nhu cầu nhân lực cao. Các bạn hoàn toàn có thể tìm thấy một công việc phù hợp với sở thích và năng lực của mình”, ông Khải nhận định.
Ông Đỗ Minh Sơn - Trung tâm đào tạo tóc nữ Son DG cho biết, đã từng đào tạo nhiều học viên lớn tuổi. Rất nhiều người trong số họ trở nên thành công. Sau khi có nghề, họ về quê mở cửa tiệm và có cuộc sống tốt hơn.
“Khi làm việc tại các cửa tiệm tóc ở vị trí thợ phụ, mức thu nhập sẽ không quá cao, dao động khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng. Vì vậy, rất nhiều người 30, 40 tuổi vẫn đi học để trở thành thợ chính. Mức thu nhập của thợ chính cao gấp đôi, gấp ba thợ phụ. Chưa kể, trong trường hợp tự mở cửa tiệm hớt tóc riêng, mức thu nhập của thợ làm tóc sẽ cao hơn rất nhiều, thậm chí lên đến hàng chục triệu đồng vào những dịp cao điểm”, ông Đỗ Minh Sơn chia sẻ.
Ông Trịnh Cao Khải cho rằng, giới tính hay tuổi tác chưa bao giờ là vấn đề ngăn cản bất cứ ai bắt đầu lại. Chỉ cần có đam mê, quyết tâm và một lộ trình học tập phù hợp, bất kỳ ai cũng có thể thành công trong lĩnh vực mình yêu thích. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề tâm lý, mọi người có dám bước ra khỏi vùng an toàn và sẵn sàng đón nhận những thử thách mới hay không.