Hải Phòng từng bước tiến tới thành phố quốc tế
Với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, trực tiếp, các cơ quan, ban, ngành trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, Hải Phòng đang từng bước tiến tới khẳng định vị thế của thành phố quốc tế.
*Mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá
Sở Khoa học Công nghệ là một trong những đơn vị tiên phong của thành phố trong hội nhập quốc tế. Theo ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, Sở đã tổ chức nhiều phiên kết nối cung cầu công nghệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...; tổ chức nhiều hội thảo khoa học công nghệ về đổi mới sáng tạo có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Hà Lan, Bỉ, Ấn Độ...
Ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia các phiên kết nối đều đánh giá rất cao các hoạt động kết nối, hợp tác của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.
Ông Lee Beom Seog, Thị trưởng thành phố Cheongju, Hàn Quốc, cho biết, các hoạt động hợp tác về khoa học công nghệ giữa Hải Phòng và Hàn Quốc sẽ giúp các bên thích ứng với những biến đổi nhanh chóng trên thế giới, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt về khoa học công nghệ. Việc hợp tác sẽ xóa nhòa ranh giới giữa hai bên, cùng nhau tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Còn theo ông Mamoru Omura, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Matsushima, Nhật Bản: Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã tổ chức các phiên kết nối cung cầu công nghệ rất chuyên nghiệp, tạo ra cầu nối để các doanh nghiệp cùng nhau tìm hiểu, hợp tác và mở rộng thị trường.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, thực hiện kế hoạch kết nối cung cầu về công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển, xúc tiến kết nối cung cầu công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài cũng như phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thành phố, đoàn công tác của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường dẫn đầu cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan đã có chuyến thăm Hoa Kỳ và Canada. Trong chuỗi hoạt động tại những nơi này, đoàn có chương trình làm việc với Hội đồng doanh nghiệp Canada-Asean (CABC) và với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Ai20X của Hoa Kỳ.
Tại Hoa Kỳ, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã ký Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Ai20X với các nội dung như: Xây dựng Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố; trao đổi và đào tạo chuyên gia, nhân lực; thúc đẩy hợp tác kinh doanh; hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp; kết nối các nhà đầu tư và quỹ đầu tư. Sự hợp tác này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hải Phòng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và chuyên gia quốc tế, đồng thời tham gia các dự án phát triển khởi nghiệp trong khu vực.
*Từ hợp tác quốc tế đến giao lưu văn hóa
Theo thông tin từ UBND thành phố, trên địa bàn Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp thu hút 954 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 31 tỷ USD.
Tại cuộc đối thoại của Thường trực Thành ủy Hải Phòng với các doanh nghiệp FDI tổ chức mới đây, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của thành phố, không chỉ về lĩnh vực kinh tế, mà còn cả về xã hội. Có thể khẳng định, nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một phần quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Doanh nghiệp FDI là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Minh chứng rõ nét cho điều này là sự thành công của Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C. Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp cho biết, Tổ hợp triển khai dự án tại Hải Phòng từ năm 1997. Tổ hợp đang trong quá trình xây dựng để trở thành khu công nghiệp xanh, sinh thái đầu tiên của Việt Nam. Để đạt kết quả này, Tổ hợp nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan của Việt Nam trong đó có thành phố Hải Phòng. Ngoài xây dựng khu công nghiệp DEEP C phát triển, 4 năm qua, thừa ủy quyền của Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Tổ hợp đã tổ chức Lễ hội Văn hóa và Ẩm thực Bỉ (B.Fest) tại Hải Phòng. Lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, thưởng thức và trở thành cầu nối văn hóa giữa Hải Phòng, Việt Nam và Bỉ.
Ông Karl Van Den Bossche, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam và Vương Quốc Bỉ đã có hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hợp tác chặt chẽ. Việt Nam và Vương Quốc Bỉ đang hợp tác trong các lĩnh vực về biến đổi khí hậu, kinh tế xanh và các hoạt động logistics. Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C là dự án đầu tư lớn nhất của Bỉ tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1 tỷ USD. Cùng với đó, Tổ hợp thu hút các nhà đầu tư khác với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7 tỷ USD. Việc Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam ủy quyền cho Tổ hợp tổ chức lễ hội là dịp để tri ân sự đồng hành của Việt Nam và Hải Phòng đối với các doanh nghiệp của Bỉ. Đây còn là dịp để cộng đồng người Bỉ tại Việt Nam và người dân địa phương cùng nhau chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế, du lịch.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Dung, Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố, Hải Phòng đã có nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh đặc trưng đến với bạn bè năm châu, đồng thời, cùng bạn bè mang nét đẹp văn hóa bốn phương về với Hải Phòng, để người dân thành phố Cảng trải nghiệm văn hóa thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Lễ hội B.Fest của Bỉ là một trong những hoạt động văn hóa đặc trưng. Hải Phòng mong muốn xây dựng B.Fest trở thành sự kiện thường niên, góp phần làm phong phú thêm cuộc sống của người dân thành phố.
Cùng tăng cường kết nối tình hữu nghị, hợp tác về kinh tế, văn hóa, trong tháng 10 này, Hội Hữu nghị Việt Nam Trung Quốc thành phố tổ chức Lễ Công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc thành phố Hải Phòng, đồng thời trao giải Cuộc thi tìm hiểu và tuyên truyền về văn hóa, con người Việt Nam - Trung Quốc năm 2024. Các hoạt động này góp phần phát triển, tăng cường quan hệ, giao lưu hữu nghị, hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhân dân thành phố Hải Phòng và doanh nghiệp Trung Quốc, thúc đẩy quá trình xúc tiến nguồn vốn đầu tư Trung Quốc, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại thành phố và tạo ra cơ hội tìm hiểu, giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa hai bên.
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố có hơn 100 dự án đầu tư từ Trung Quốc với tổng số vốn chiếm khoảng 40% tổng số vốn FDI trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp Trung Quốc hằng năm xuất khẩu 5,34 tỷ USD, sử dụng 58.000 lao động, đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Những kết quả này minh chứng rằng Hải Phòng là một điểm đến rất phù hợp để đầu tư và kinh doanh, đồng thời thắt chặt mối quan hệ hợp tác song phương thành công trên mọi phương diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cũng theo ông Lê Trung Kiên, Hải Phòng có hạ tầng cảng biển, đường cao tốc, đường sắt, sân bay được đầu tư đồng bộ, hiện đại tạo ra sự kết nối và hội nhập quốc tế cao. Trong năm 2025, Hải Phòng sẽ phát triển một khu kinh tế mới phía Nam thành phố với định hướng là khu kinh tế, xanh, sinh thái, bám sát xu hướng quốc tế về ESG (các tiêu chí được sử dụng để đo lường và đánh giá tính bền vững và tác động xã hội của một doanh nghiệp hoặc tổ chức). Những kết quả rõ nét trong phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế là những bước đi vững chắc để Hải Phòng thực hiện thắng lợi định hướng chiến lược mà Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Minh Thu