Hà Nội khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội
6 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, phản ánh hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo, điều hành.
Hà Nội khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: NH
Đó là thông tin được ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội báo cáo tại Kỳ họp thứ 25 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2025) của HĐND thành phố Hà Nội, diễn ra sáng nay (8/7).
Tăng trưởng kinh tế vượt kịch bản
Theo ông Dũng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm của Hà Nội đạt mức tăng trưởng 7,63% (cả nước ước đạt 7,52%), cao hơn cùng kỳ năm 2024 (6,13%) và vượt kịch bản đề ra (7,59%).
"Quý I, Hà Nội tăng 7,56%, quý II tăng 7,69%, dự báo quý III đạt 8,18% và quý IV đạt 8,53%, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 8% cả năm", ông Dũng nói.
Về tổng thu ngân sách Nhà nước, ông Dũng cho biết, trên địa bàn Hà Nội thực hiện 6 tháng đầu năm 2025 là 392,2 nghìn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, với khu vực dịch vụ chiếm 68,58%; công nghiệp và xây dựng 19,42%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 2,09%...
"Điều này khẳng định vai trò chủ đạo của dịch vụ và sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế", ông Dũng nói.
Đáng chú ý, thành phố thu hút hơn 3,67 tỷ USD vốn FDI (tăng 216%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đầu năm), trong đó, có 192 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 237,5 triệu USD.
6 tháng đầu năm, Hà Nội có 15.681 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 0,5%; số vốn đăng ký hơn 162,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13%; có 5.941 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4%.
Bên cạnh đó, thành phố quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường. Thành phố triển khai chương trình cải tạo sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, giảm 20% mức độ ô nhiễm so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, theo ông Dũng, vẫn còn hạn chế cần được tập trung giải quyết triệt để tạo đà cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt mức tăng 5,9%, tuy đã cải thiện so với cùng kỳ, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Hà Nội, thấp hơn kịch bản đề ra (6,7%) và mức trung bình toàn quốc (8,8%).
Số doanh nghiệp giải thể tăng 33,7% và tạm ngừng hoạt động tăng 17,5%, cao hơn mức trung bình toàn quốc (12,2%); cùng với đó, 2.961 hộ kinh doanh ngừng nghỉ trong tháng 5-6/2025, phản ánh những thách thức trong bối cảnh siết chặt quản lý thuế và áp dụng hóa đơn điện tử.
Công tác xử lý rác thải, nước thải và cải tạo ô nhiễm sông nội đô vẫn còn chậm so với yêu cầu...
Đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng trong thực thi chính sách mới
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài: Phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm có thể nảy sinh trong quá trình thực thi các cơ chế, chính sách mới”. Ảnh: NH
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, những kết quả về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm là tiền đề quan trọng, nhưng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 còn rất nặng nề.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, các đại biểu HĐND thành phố tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ, nhằm phát huy mọi nguồn lực của thành phố, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề xuất các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2025.
Bà Hoài đề nghị, các đại biểu HĐND khi thảo luận, xem xét các nghị quyết cần phải đặt trong tầm nhìn dài hạn, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đồng thời, các nghị quyết phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Chính sách ban hành phải khả thi, phải giảm bớt gánh nặng thủ tục, phải thực sự đi vào cuộc sống.
“HĐND cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát để đảm bảo chính sách không nằm trên giấy”, Bà Hoài nói.
Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu, các cấp, ngành tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai mô hình chính quyền mới.
Từ ngày 1/7 vừa qua, thành phố đã triển khai vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp đòi hỏi sự rành mạch, thông suốt và hiệu quả.
“Phải chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ phải xác định rõ vai trò, chức năng của mình. Các nội dung công việc cụ thể phải được thực hiện một cách quyết liệt, minh bạch, có lộ trình và có người chịu trách nhiệm cụ thể”, bà Hoài yêu cầu.
“Tôi đề nghị mỗi vị đại biểu HĐND, mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tấm gương về trí tuệ, bản lĩnh, liêm chính và tinh thần phụng sự. Phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm có thể nảy sinh trong quá trình thực thi các cơ chế, chính sách mới”.
Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội được tổ chức ngay sau khi thành phố và cả nước đã hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Tại kỳ họp, HĐND thành phố xem xét 16 báo cáo và thông qua 21 nghị quyết.
Đặc biệt, HĐND thành phố dành thời gian cho hoạt động chất vấn, tái chất vấn hai nhóm vấn đề gồm: Tái chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố và kết quả thực hiện các cam kết, lời hứa tại Kỳ họp thứ 20 HĐND thành phố; chất vấn nhóm vấn đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
"Đây là những nội dung quan trọng và thiết thực, đang được thành phố tập trung chỉ đạo; được dư luận, cử tri quan tâm và được các Ban của HĐND thành phố, đại biểu HĐND thành phố kiến nghị, đề xuất", Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.