Lai Châu: Đồng bào Dao đỏ thoát nghèo nhờ chè Shan tuyết
Từ rừng chè Shan tuyết cổ thụ nơi đỉnh Phàn Liên San mây phủ quanh năm, đồng bào Dao đỏ xã Sì Lở Lầu đã mở lối thoát nghèo, dựng nên mô hình sinh kế bền vững.
Cây chè cổ giữa đại ngàn và hành trình đánh thức giá trị bị lãng quên
Trên độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, nơi đỉnh Phàn Liên San quanh năm mây phủ trắng trời, xã Sì Lở Lầu, tỉnh Lai Châu) hiện lên như một nét chấm phá kỳ vĩ giữa thiên nhiên hùng vĩ Tây Bắc. Đây là nơi đồng bào Dao đỏ cư ngụ bao đời, sống nhờ rừng, gắn bó mật thiết với cây chè Shan tuyết cổ thụ - giống chè mọc tự nhiên, búp nhỏ, cành xù xì, phủ lớp lông trắng như sương tuyết.
Chè Shan tuyết cổ thụ là đặc sản của đồng bào Dao đỏ
Với người Dao đỏ, mỗi cây chè cổ là một báu vật truyền đời. Họ xem chè như linh hồn của bản làng, hiện thân của tổ tiên. Nhưng cũng có thời, chính những cây chè ấy từng bị đốn bỏ, bị tận thu không thương tiếc để đổi lấy vài nghìn đồng mỗi ký tươi. Trước năm 2015, người dân xã Mồ Sì San (nay là xã Sì Lở Lầu) chủ yếu bán chè tươi cho thương lái, giá chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Không đầu ra ổn định, không kỹ thuật chế biến, không thương hiệu, “vàng xanh” giữa đại ngàn dần bị xem nhẹ. Có lúc, từng ha chè cổ bị thay thế bởi ngô, sắn.
Trăn trở trước nguy cơ mất rừng, mất giống chè quý, lãnh đạo xã Mồ Sì San cùng cán bộ biên phòng và chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng. Kết quả, Mồ Sì San sở hữu hàng trăm cây chè Shan tuyết cổ có tuổi đời từ 100-300 năm. Đây là nguồn gen quý, sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên, mang đậm bản sắc vùng cao.
Từ đó, một mô hình phát triển chè gắn với bảo tồn rừng, giữ gìn văn hóa được khởi động. Giai đoạn 2019-2025 được xác định là thời kỳ “giải cứu chè cổ”, tái thiết sinh kế từ chính tài nguyên bản địa.
Xây dựng chuỗi liên kết, chế biến chè Shan tuyết tại Lai Châu
Hiện nay, chính quyền xã Sì Lở Lầu đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Chế biến chè cổ thụ Biên Cương. Mô hình liên kết ba nhà ra đời: chính quyền địa phương tạo cơ chế, HTX chế biến và tiêu thụ, người dân là chủ thể canh tác và bảo vệ rừng chè. Người dân được tập huấn kỹ thuật thu hái, chỉ hái búp non “một tôm hai lá”, đúng mùa, đúng quy trình. Đồng thời, họ được hướng dẫn sơ chế, sấy tay truyền thống kết hợp kỹ thuật mới để giữ hương vị đặc trưng.
Nếu trước đây, chỉ hái rồi bán chè tươi, thì nay, mỗi gói trà đã mang thương hiệu, mã vùng trồng, mã QR truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm chè Shan tuyết Sì Lở Lầu có mặt tại nhiều hội chợ, sàn thương mại điện tử, điểm bán hàng OCOP. Các dòng trà đặc sản như hồng trà, bạch trà, trà xanh được bán với giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/kg, có loại đặc biệt lên tới hơn 10 triệu đồng/kg.
Một bước ngoặt lớn khác là HTX đầu tư máy móc sơ chế, mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời tổ chức các tour trải nghiệm cho du khách. Giờ đây, người dân không chỉ hái chè, mà còn trở thành hướng dẫn viên, nghệ nhân pha trà, người kể chuyện văn hóa giữa đại ngàn Phàn Liên San.
Từ cây chè thoát nghèo đến mô hình sinh kế bền vững vùng cao
Sự thay đổi diễn ra âm thầm nhưng rõ rệt. Theo thống kê của xã, hiện toàn xã Sì Lở Lầu có hơn 90 hộ trực tiếp khai thác, chăm sóc và bảo vệ rừng chè Shan tuyết cổ thụ. Nhờ liên kết với HTX, mỗi năm người dân thu nhập từ 30 đến 60 triệu đồng/hộ - một con số rất đáng kể ở vùng núi cao như Lai Châu. Cây chè cổ đã trở thành cây thoát nghèo đúng nghĩa cho đồng bào Dao đỏ.
Shan tuyết trở thành đặc sản của đồng bào Dao đỏ Lai Châu
Chị Tẩn Chìn Xuân - thành viên HTX Biên Cương kể: “Trước đây nhà tôi nghèo, sống bữa đói bữa no. Giờ nhờ chè cổ thụ, tôi có tiền nuôi con học, có trâu bò, sửa lại căn nhà gỗ dột nát ngày xưa. Mỗi búp chè hái ra, tôi nâng niu như vàng của bản”.
Những gia đình như chị Xuân không còn hiếm. Trên những nương chè cao vút, từng bước chân bà con in dấu, từng bàn tay hái chè giữa mây mù là từng hạt giống hy vọng. Không còn cảnh phá rừng, đốt cây, mà là bảo vệ, nhân giống, sống cùng rừng.
Tính đến giữa năm 2025, toàn xã đã trồng mới thêm hơn 25ha chè Shan tuyết theo quy hoạch. Mục tiêu đến năm 2030 là mở rộng vùng nguyên liệu lên 100ha. Cây chè không chỉ là nguồn sống, mà còn là biểu tượng cho sự hồi sinh từ lòng kiên trì và đoàn kết của cộng đồng.
Hành trình ấy còn mở lối sang phát triển du lịch. Du khách từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… bắt đầu tìm đến Phàn Liên San để uống trà giữa mây, ngủ lại nhà sàn người Dao, nghe kể chuyện bản sắc, thưởng thức các món ăn dân tộc và tìm hiểu kỹ thuật làm chè thủ công.
Chính mô hình sinh kế kép, vừa sản xuất, vừa du lịch đang giúp người Dao đỏ có thêm lựa chọn để sống trên đất mình, giàu từ cây mình trồng, gìn giữ văn hóa mình có. Đây là cách phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc, tạo sinh kế bền vững giữa vùng biên viễn xa xôi.
Từ một loại chè từng bị bỏ quên, giờ đây chè Shan tuyết Sì Lở Lầu đã được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trở thành sản phẩm đặc sản mang hồn Tây Bắc. Không chỉ là trà, đó là bản sắc, là ký ức của đại ngàn, là sinh kế của đồng bào Dao đỏ.