A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 14/7: Bộ Công Thương giải đáp về cửa hàng tiện lợi

Dự thảo Thông tư phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Báo Công Thương có bài viết "Bộ Công Thương giải đáp về cửa hàng tiện lợi và Thông tư quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại". Theo đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có quy định “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m”.

“Tại dự thảo Thông tư (Điều 5. Tiêu chí cửa hàng tiện lợi) không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như “cách hiểu” của một số chuyên gia. Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời để làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của địa phương", bài viết nêu.

Cùng nội dung này, báo An ninh thủ đô phản ánh góp ý của VCCI qua bài viết “Nhiều đề xuất liên quan siêu thị, cửa hàng tiện ích quá vô lý”.

VCCI cho rằng, ngoài quy định cửa hàng tiện lợi có “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi dưới 500m” là bất khả thi, gây phản ứng trái chiều trong dư luận, dự thảo có nhiều quy định bất hợp lý can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết. Theo VCCI, quy định này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và làm giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh.

Dự thảo cũng đưa ra các yêu cầu như: Siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng; phải có nơi bảo quản hành lý cá nhân; cửa hàng tiện lợi buộc phải chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân… Các quy định này cũng can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Thông qua bài viết “Cửa hàng tiện lợi chỉ phục vụ ở phạm vi 500m: Đi ngược quy luật cung - cầu”, báo Lao động phản ánh ý kiến của chuyên gia thị trường: Ở khu vực đông dân đúng là chỉ cần trong vòng bán kính 500m, nhưng với khu vực thưa dân thì phải hơn 1km. Cho nên cần tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với sự phân bố của dân cư và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, không phải ý chí chủ quan của mệnh lệnh hành chính.

Lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng là nội dung được phản ánh trên nhiều trang báo ngày hôm nay, 14/7.

Phản ánh về giá gạo, báo Thanh niên có bài “Giá gạo Việt Nam vào Anh cao nhất Đông Nam Á”. Cụ thể, năm 2021 đơn giá bình quân của gạo Việt Nam là 1.012 USD/tấn, trong khi đơn giá bình quân gạo Thái Lan đạt 999 USD/tấn, Campuchia 991 USD/tấn và Myanmar 502 USD/tấn. Gạo Việt Nam ở Anh chủ yếu được bán cho cộng đồng người Việt và một phần cộng đồng người Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines.

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho rằng: Dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn có thể mở rộng nhờ cộng đồng gốc Việt (100.000 người) và nhờ quy chế hạn ngạch thuế quan trong UKVFTA. Tuy nhiên, để biến tiềm năng này thành hiện thực, người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần áp dụng triệt để trên diện rộng Global G.A.P đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạo thơm chất lượng cao.

“6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón “vượt mặt” cả năm 2021”, đó là bài viết đăng tải trên báo Công Thương. Tổng lượng xuất khẩu phân bón trong 6 tháng đầu năm đạt 998 nghìn tấn, với kim ngạch 647 triệu USD con số này đã vượt qua kết quả xuất khẩu của cả năm 2021. Mặc dù xuất khẩu phân bón có bước tăng trưởng vượt bậc, nhưng ở chiều ngược lại, thị trường trong nước đang ghi nhận lượng phân bón nhập khẩu từ Nga tăng đột biến.

Bài viết cũng đưa ra dự báo từ các chuyên gia: Thị trường quốc tế ghi nhận giá phân bón đang hạ nhiệt. Tuy nhiên, đây chỉ là sự suy giảm tạm thời do yếu tố thấp điểm của mùa vụ. Khả năng sẽ có các đợt tăng giá tiếp theo nhất là giai đoạn các nước bước vào mùa cao điểm sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, than và khí tự nhiên, hai nguyên liệu chính để sản xuất phân bón, sau một thời gian ngắn ổn định, gần đây đã có dấu hiệu tăng trở lại.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm