Cần phối hợp chặt chẽ các chính sách để kiểm soát lạm phát
6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, trong khi GDP 6 tháng đạt tăng trưởng cao - ở mức 6,42% đã cho thấy thành công của Chính phủ trong điều hành, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, trong khi GDP 6 tháng đạt tăng trưởng cao - ở mức 6,42% đã cho thấy thành công của Chính phủ trong điều hành, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Song, với mức lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,25% - thấp hơn mức CPI bình quân chung của 6 tháng đầu năm là 2,44% cho thấy biến động giá tiêu dùng những tháng đầu năm chủ yếu là do biến động của giá xăng dầu tăng cao.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia HN cho rằng, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt là phản ứng với sự tăng giá nguyên nhiên, vật liệu than xăng dầu... đã có những phản ứng khá linh hoạt, tạo ra niềm tin sự kỳ vọng của người dân vào những biện pháp của Chính phủ tốt hơn và người dân yên tâm hơn. Những áp lực lạm phát về cuối năm, dù cầu trong nước cũng như là những sức ép về nhập khẩu lạm phát vẫn hiện hữu, gia tăng cũng như những bất ổn về kinh tế quốc tế nhưng tôi tin rằng những giải pháp của Chính phủ cũng đã góp phần củng cố niềm tin vào sự bình ổn các chỉ số kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng" - TS Nguyễn Quốc Việt nêu rõ.
6 tháng cuối năm, thị trường giá cả ở Việt Nam có nhiều nhân tố làm tăng chỉ số tiêu dùng (CPI) như giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón trên thị trường thế giới còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm. Điều này sẽ dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh còn những diễn biến khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa và đời sống sinh hoạt của người dân.
Tiến sỹ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương dự báo có hai kịch bản tăng CPI 6 tháng cuối năm: "Trong 6 tháng cuối năm, tình hình thế giới biến động rất bất định, khó lường, dự báo chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng cuối năm phụ thuộc vào diễn biến của tình thế giới. Theo ý kiến của tôi, tình hình thế giới 6 tháng cuối năm diễn biến theo hai kịch bản.
Kịch bản thứ nhất là kinh tế thế giới có thể suy thoái, trong bối cảnh ấy thì Việt Nam 6 tháng đầu năm có chỉ số CPI là tương đối thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho kiềm chế lạm phát, duy trì mức lạm phát thấp của cả năm. Điểm nữa là cung hàng hóa của chúng ta tương đối dồi dào sẽ giúp cho không gây biến động lớn về giá. Kinh tế Việt Nam thì có những yếu tố thuận lợi như thế thì chúng ta dự báo CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh.
Kịch bản thứ hai là giá thế giới vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và giá lương thực thì vẫn ở mức cao, việc Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất điều hành, như vậy thì tạo sức ép lên tỷ giá của chúng ta. Trong bối cảnh ấy, trong nước thì giá rất nhiều nguyên vật liệu đầu vào của chúng ta đã tăng và sẽ tiếp tục tăng và mức tín dụng tăng tương đối cao trong 6 tháng đầu năm thì cũng tạo áp lực nhất định lên tỷ giá. Trong bối cảnh mà kịch bản 2 thì xảy ra tôi dự đoán là 6 tháng cuối năm CPI có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm và khả năng CPI bình quân của cả năm sẽ vượt qua mức 4%".
Theo các chuyên gia, những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm nay để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, để kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, cần phải đảm bảo các cung cầu hàng hóa cũng như phải tổ chức lại hệ thống phân phối, cắt bớt khâu trung gian. Bên cạnh đó, phải quy hoạch lại sản xuất, gắn với hệ thống phân phối, tổ chức tốt các sàn giao dịch hàng hóa, các chợ đầu mối.
"Cầu bắt đầu có hồi phục, sức mua tăng lên, các đợt khuyến mại, giới thiệu, hội chợ triển lãm, tuyên truyền quảng cáo về hàng Việt thì làm cho sức cầu hồi phục. Cái đó là những cái mà chúng ta phải chú ý, chúng ta phấn khởi nhưng không được chủ quan, cần phải khắc phục những yếu điểm như lưu thông hệ thống phân phối và tổ chức củng cố lại, chăm lo đến sức mua và các vấn đề chống hàng giả, hàng lậu" - chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết thêm.