A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam và Lào nâng cao hiệu quả hợp tác về công nghiệp năng lượng, khoáng sản

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), ngày 8/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có buổi tiếp kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Lào của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhằm cụ thể hóa những thỏa thuận cấp cao và triển khai các kết quả của kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào hồi đầu năm 2024. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam thời gian qua đã trở thành công xưởng của thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 735 tỷ USD, nằm trong nhóm 20 nước có quy mô ngoại thương lớn nhất thế giới và nhóm các thị trường hấp dẫn nhất về thu hút FDI. Chính vì vậy, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các loại nguyên liệu đầu vào và điện năng từ các nước, trong đó có Lào.

Đến nay, EVN đã ký kết 19 thỏa thuận mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư (CĐT), để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào bán điện về Việt Nam, với tổng công suất 2.689 MW, đạt 89,6% công suất mua bán điện theo cam kết đến năm 2025 (3.000 MW) nêu tại bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện từ Lào.

Để tiếp tục thúc đẩy mua bán điện giữa Việt Nam và Lào, vừa qua, phía Việt Nam đã và đang tháo gỡ một số vấn đề về khung giá điện và truyền tải. Về khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tính toán, xây dựng khung giá. Hiện EVN đã hoàn thành và đang lấy ý kiến Hội đồng thành viên. Sau khi nhận được báo cáo của EVN, Bộ Công Thương sẽ thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 4/2024.

Về truyền tải, vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 27/2024/NĐ-CP ngày 6/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó bổ sung quy định về tạm sử dụng rừng để thực hiện các hạng mục công trình tạm phục vụ thi công dự án lưới điện để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Như vậy, khó khăn về giá mua điện và đường dây truyền tải đã cơ bản được tháo gỡ.

Ảnh minh họa

Để thúc đẩy hợp tác mua bán điện giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Thủ tướng Lào chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan: hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện tại Lào; nhanh chóng hoàn tất đầu tư các tuyến đường dây liên kết để xuất khẩu điện từ Lào sang Việt Nam; quy hoạch tổng thể các dự án điện tại Lào có nhu cầu bán điện về Việt Nam để tạo thuận lợi cho đầu tư đường dây liên kết.

Liên quan tới vấn đề mua bán than, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo Thủ tướng Lào về nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam (60 - 100 triệu tấn/năm trong những năm tới). Khó khăn cho việc nhập khẩu than từ Lào hiện nay là vấn đề giá.

Phía Lào cần tìm các giải pháp để hạ giá bán than từ Lào về Việt Nam ít nhất phải bằng giá thế giới thông qua các giải pháp: các chủ mỏ than của Lào cơ cấu lại quy trình sản xuất tinh gọn, hiệu quả, đầu tư hệ thống băng tải vận chuyển than qua biên giới để giảm giá thành khai thác, sản xuất, vận chuyển than. Chính phủ Lào xem xét bãi bỏ thuế xuất khẩu than (10%) bởi vì thuế này được ban hành để tạo nguồn thu cho Chính phủ nhưng thực tế sẽ làm cho giá bán than Lào tăng, dẫn đến than không bán được, từ đó Chính phủ và doanh nghiệp đều không có nguồn thu. Bên cạnh đó, Chính phủ Lào đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện có từ Cạ-lưm đi La Lay và từ Cạ-lưm đi Lao Bảo để cải thiện năng lực vận chuyển so với hiện nay.

Thủ tướng Lào đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Bộ Công Thương Lào thời gian qua, nhất trí với kết quả làm việc giữa 3 Bộ lần này. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Lào luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam.

Thủ tướng Lào đề nghị 3 Bộ tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; tập trung tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hai nước để nâng cao hiệu quả hợp tác về thương mại, công nghiệp năng lượng và khoáng sản phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước.

Lan Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm