Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (1-7/4/2024)
Các lệnh trừng phạt buộc Novatek phải thu hẹp quy mô dự án ở Bắc Cực; Shell kháng cáo phán quyết của tòa án về vấn đề phát thải; Liên doanh Chevron phát động chiến dịch khoan dầu ở Venezuela; CNOOC giành được 5 giấy phép thăm dò khu vực dầu khí ngoài khơi Mozambique… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Hình minh họa |
Ngày 5/4, ADNOC Gas cho biết đã sẵn sàng cho hành trình đầu tư đầy tham vọng, dành hơn 13 tỷ USD cho việc mở rộng hoạt động trong nước và liên doanh quốc tế trong 5 năm tới. Với tầm nhìn chiến lược về mở rộng xuất khẩu trên thị trường toàn cầu, công ty đặt mục tiêu tận dụng các khoản đầu tư này, bao gồm các hợp đồng trị giá 4,9 tỷ USD được trao vào năm 2023. Theo báo cáo, họ sẽ tập trung vào các mục tiêu chính như khử carbon, chuyển đổi kỹ thuật số và những tiến bộ công nghệ do AI điều khiển. ADNOC Gas sẵn sàng thúc đẩy sự tăng trưởng và đổi mới trong tương lai.
Ngày 5/4, Petronas đã trao hợp đồng chia sẻ sản phẩm cho sáu lô thăm dò và một cụm tài nguyên tiềm năng (DRO) được phát hiện trong Vòng đấu thầu Malaysia 2023. Như vậy, tất cả các lô thăm dò ngoài khơi lưu vực Sarawak và lưu vực Tây Bắc Sabah đã được cấp phép đầy đủ. Các lô thuộc PSC trải dài trên ba khu vực ngoài khơi Malaysia, bao gồm hai lô ở ngoài khơi Bán đảo Malaysia, ba lô ngoài khơi bờ biển Sarawak cũng như một lô thăm dò và một cụm DRO nằm ngoài khơi bờ biển Sabah.
Vào hôm 3/4, Exxon Mobil báo hiệu kết quả hoạt động quý I sẽ giảm so với quý trước do giá dầu, khí đốt trong quý đó yếu hơn, và sự sụt giảm lớn trong các sản phẩm nhiên liệu, theo một hồ sơ chứng khoán. Sự sụt giảm này diễn ra sau hai năm giá dầu và nhiên liệu tăng mạnh đã giúp công ty dầu mỏ lớn nhất của Mỹ trở thành một trong những công ty năng lượng có lợi nhuận cao nhất trên toàn cầu. Năm ngoái, công ty này đạt lợi nhuận kỷ lục trong quý đầu tiên ở mức 11,4 tỷ USD. Tác động lớn nhất khiến quý đầu tiên đảo chiều sau đợt tăng giá năm ngoái, là do giá khí đốt tự nhiên yếu và sản lượng nhiên liệu sụt giảm.
Cũng trong tuần qua, Novatek, nhà xuất khẩu LNG của Nga, buộc phải thu hẹp quy mô nhà máy xuất khẩu lớn nhất của Nga, Arctic LNG 2, vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đang hạn chế khả năng tiếp cận của công ty này với các tàu chở LNG có khả năng phá băng. Arctic LNG 2 ban đầu được lên kế hoạch có ba đoàn tàu khí hóa với tổng công suất 19,8 triệu tấn LNG mỗi năm và sản lượng khí ngưng tụ 1,6 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đối với dự án này, được áp dụng vào cuối năm ngoái, đã khiến Novatek phải xem xét lại quy mô của Arctic LNG 2 và chuyển trọng tâm sang dự án Murmansk LNG đã được lên kế hoạch, vốn không cần tàu chở dầu phá băng, theo nguồn tin của Reuters.
Ngày 5/4, Công ty năng lượng khổng lồ Gazprom đã yêu cầu tòa án Nga cấm OMV Exploration & Production GmbH của Áo theo đuổi trọng tài quốc tế, theo tài liệu tòa án. Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh tước bỏ cổ phần trị giá hàng tỷ USD của Wintershall Dea và OMV của Đức trong các dự án khai thác khí đốt ở Bắc Cực của Nga. Gazprom phải đối mặt với một số cuộc chiến pháp lý với khách hàng và các nhà vận chuyển khí đốt của Nga ở châu Âu, gần đây nước này cũng đã tiến hành các hành động pháp lý với các đối tác quốc tế tại tòa án địa phương, điều mà một số công ty châu Âu coi là bất hợp pháp.
Ngày 4/4, Reuters đưa tin, Shell đang xin giấy phép dài hạn từ Washington trước khi đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng vào dự án khí đốt tự nhiên Dragon của Venezuela. Trích dẫn hai nguồn tin giấu tên, Reuters cho biết Shell đang xin cấp phép 15 năm để phát triển mỏ này, hy vọng sẽ có một quyết định tích cực, thậm chí xa hơn nữa, trước khi đầu tư 1 tỷ USD. Hiện tại, họ có giấy phép hai năm được cấp vào tháng 1 năm 2023.
Cũng trong tuần qua, Shell đã trình bày với tòa án Hà Lan rằng phán quyết năm 2021 bắt họ phải cắt giảm mạnh lượng khí thải nhà kính là thiếu cơ sở pháp lý và có nguy cơ cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt gây sốc cho ngành năng lượng, vào năm 2021 một tòa án cấp dưới của Hà Lan đã ra lệnh cho Shell giảm 45% lượng khí thải carbon làm nóng hành tinh vào năm 2030 so với mức của năm 2019. Phán quyết này không chỉ liên quan đến lượng khí thải của chính Shell, mà còn liên quan đến lượng khí thải do người mua và người sử dụng sản phẩm của Shell trên toàn cầu gây ra. Shell cho biết việc thực thi phán quyết sẽ buộc hãng phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, và chỉ khiến khách hàng chuyển sang các nhà cung cấp nhiên liệu khác.
Theo thông tin đăng tải vào thứ Ba (2/4), năm lô thăm dò dầu khí ngoài khơi của Mozambique đã được trao cho Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) liên quan đến vòng cấp phép thứ sáu do chính quyền nước này đưa ra vào tháng 11/2021. Trung Quốc được trao quyền thăm dò ở các khu vực S6-A và S6-B nằm ở vùng nước nông trong khu vực Save. Và ba địa điểm khác, cụ thể là các khu vực A6-D, A6-E và A6-G, nằm ở vùng nước sâu trong lưu vực Angoche.
Đầu tuần trước, một liên doanh của tập đoàn Chevron đã khởi động chiến dịch khoan năm 2024 với việc khoan giếng đầu tiên trong số 17 giếng như một phần của kế hoạch thúc đẩy khai thác, đồng sở hữu của liên doanh, công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA tuyên bố. Chevron được Mỹ ủy quyền hoạt động tại Venezuela trong các liên doanh với PDVSA, trong khi Chính quyền Washington hiện cũng cho phép xuất khẩu và buôn bán dầu thô của Venezuela cho đến ngày 18/4. PDVSA cho biết giếng này đã được khoan vào tháng 2 tại Lô Carabobo 2 ở Vành đai Orinoco. Giếng CMI14 là giếng đầu tiên trong số 17 giếng dự kiến được khoan trong kế hoạch kinh doanh năm nay của liên doanh và là "cột mốc quan trọng để tăng sản lượng của liên doanh này".
Nh.Thạch
AFP