Bản tin Năng lượng Quốc tế 5/4: Châu Âu vẫn nhập khẩu lượng lớn LNG của Nga
PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về các lĩnh vực năng lượng thế giới.
1. Tính đến đầu giờ sáng nay 5/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 86,83 USD/thùng - tăng 0,28%, trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 91,04 USD/thùng - tăng 0,43%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, giá dầu tăng thêm hơn 1 USD do căng thẳng địa chính trị và cắt giảm sản lượng lấn át sự thận trọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
2. Ngân hàng Bank of America (BofA) dự báo giá dầu Brent và WTI sẽ đạt mức trung bình 86 USD/thùng và 81 USD/thùng trong năm nay, và cả hai chuẩn dầu đều đạt đỉnh khoảng 95 USD/thùng vào mùa Hè này, tăng khoảng 10% so với mức vốn đã cao hiện nay.
BofA cũng lưu ý những đồn đoán về việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn vào tháng tới có thể thúc đẩy hơn nữa giá năng lượng mùa Hè.
3. Sau khởi đầu năm mới chậm chạp, năng lượng đã nổi lên là lĩnh vực đáng chú ý khi giá dầu thô kỳ hạn tăng lên mức cao nhất 5 tháng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông.
Iran đã thề sẽ trả thù Israel sau cuộc không kích vào khu phức hợp đại sứ quán của họ ở Syria hồi đầu tuần này khiến hai tướng lĩnh hàng đầu và năm cố vấn quân sự thiệt mạng, trong khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khác của Ukraine đã tấn công một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga.
4. Reuters trích dẫn các nguồn tin độc quyền trong ngành cho hay, Novatek, nhà xuất khẩu LNG của Nga, buộc phải thu hẹp quy mô nhà máy xuất khẩu lớn nhất của Nga, Arctic LNG 2, vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đang hạn chế khả năng tiếp cận của công ty này với các tàu chở LNG có khả năng phá băng.
Arctic LNG 2 ban đầu được lên kế hoạch có ba đoàn tàu khí hóa với tổng công suất 19,8 triệu tấn LNG mỗi năm và sản lượng khí ngưng tụ 1,6 triệu tấn mỗi năm.
5. Liên minh châu Âu đã thay thế việc nhập khẩu một dạng khí đốt của Nga bằng một dạng khác. Thay vì nhận khí đốt qua đường ống từ Nga từ phía Đông, Châu Âu hiện đang sử dụng LNG của Nga nhập khẩu tại các cảng ở phía Tây.
EU, vốn không trừng phạt hoặc cấm khí đốt tự nhiên của Nga, đã chứng kiến lượng nhập khẩu LNG từ Nga tăng vọt kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine và sự sụt giảm đáng kể lưu lượng đường ống của Nga vào năm 2022.
Bình An