Bản tin năng lượng số 22/2023
Trong khuôn khổ Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), mới đây, tại Hà Nội, Tổ chuyên gia đặc trách về Điện gió ngoài khơi phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo về chủ đề Nối lưới, quản lý vận hành và các khía cạnh kỹ thuật của điện gió ngoài khơi.
Trao đổi kinh nghiệm về vận hành và nối lưới điện gió ngoài khơi
Nội dung chính của hội thảo tập trung vào tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại Việt Nam, cũng như hiện trạng, thách thức trong vấn đề vận hành, nối lưới ĐGNK.
Việt Nam đặt mục tiêu tổng công suất lắp đặt ĐGNK trên cả nước đạt 6 GW vào năm 2030. Để đạt mục tiêu đó, Tổ chuyên trách nhấn mạnh cần thiết lập các chính sách và cơ chế ưu đãi khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện cho ĐGNK, tìm kiếm các mô hình thành công từ các quốc gia khác có thể áp dụng cho Việt Nam, cũng như xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển, xác định các địa điểm phát triển ĐGNK.
Hội thảo về chủ đề Nối lưới, quản lý vận hành và các khía cạnh kỹ thuật của điện gió ngoài khơi. (Ảnh: GIZ)
Chia sẻ kinh nghiệm từ châu Âu, các chuyên gia cho biết, châu Âu đặt mục tiêu tham vọng tích hợp 300 GW ĐGNK vào năm 2050. Trên cơ sở đó, châu Âu sẽ cần chuyển dịch hạ tầng truyền tải ngoài khơi sang dạng hỗn hợp và liên kết tập trung, giúp tối ưu hóa việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các điểm giao cắt với đất liền, tăng tỷ lệ sử dụng cơ sở hạ tầng, cải thiện khả năng đáp ứng cung - cầu của hệ thống điện.
Ông Sven Ernedal, tổ trưởng Tổ chuyên trách nêu ra 5 vấn đề trong phát triển ĐGNK cần được lưu ý gồm:
Thứ nhất, thiết lập các chính sách và cơ chế ưu đãi khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện cho ĐGNK, tìm kiếm các mô hình thành công từ các quốc gia khác có thể áp dụng cho Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển, xác định các địa điểm phát triển ĐGNK.
Thứ ba, khuyến nghị đầu tư vào hoạt động khảo sát cho các dự án thí điểm bao gồm đo tốc độ gió, khảo sát địa vật lý và đánh giá tác động môi trường và xã hội.
Thứ tư, thiết lập một cơ chế chuyển dịch để phát triển 6 GW điện gió đầu tiên vào năm 2030 như đề ra trong Quy hoạch điện VIII.
Thứ năm, thách thức đến từ việc thiếu khung pháp lý và quy định về nối lưới ĐGNK tại Việt Nam, cho phép hoạt động đầu tư vào ĐGNK, hướng tới đạt được các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VIII.
Đẩy nhanh các dự án năng lượng đang được triển khai tại Việt Nam
Mới đây, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC và Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có cuộc làm việc với ông Bernerd De Santos, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng AES.
Tại cuộc gặp, ông Bernerd De Santos cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Công Thương đối với hoạt động của AES trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam hơn 12 năm qua đồng thời đánh giá việc Chính phủ thông qua Quy hoạch điện VIII là một cột mốc quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam. Đại diện AES cho biết sẽ quyết tâm đẩy nhanh các dự án năng lượng đang được triển khai tại Việt Nam nhằm sớm cung cấp điện năng, đảm bảo đầy đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Lãnh đạo Tập đoàn AES cho biết, hiện AES cũng đặt ra mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; đồng thời đang hợp tác với nhiều đối tác để tập trung phát triển chuỗi cung ứng của ngành năng lượng, thúc đẩy thương mại và xuất khẩu các sản phẩm pin tích năng, mô-đun năng lượng mặt trời sản xuất tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn AES
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự tích cực, chủ động của AES trong việc phát triển chuỗi cung ứng của ngành năng lượng tại Việt Nam, với các nhà máy sản xuất pin tích năng và mô-đun điện mặt trời đặt tại tỉnh Bắc Giang, thành phố Đà Nẵng. Bộ trưởng yêu cầu AES đầu tư sâu để tăng hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam trong các sản phẩm, hướng tới sản xuất được các sản phẩm hoàn thiện Made in Vietnam có thể phục vụ cho các dự án tại Việt Nam và xuất khẩu ra thế giới với quy mô lớn.
Liên quan tới Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia vừa được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng cho rằng cơ hội dành cho các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng, bao gồm AES tại Việt Nam là vô cùng lớn. Vì vậy, Tập đoàn AES cần tích cực, chủ động, đầu tư có trách nhiệm và có tính lan tỏa, đảm bảo vừa đáp ứng được lợi ích nhà đầu tư vừa hỗ trợ được sự phát triển của các ngành công nghiệp nội địa của Việt Nam.
Kiện toàn Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 về việc kiện toàn Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định, Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định là Bộ Công Thương.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Ảnh minh họa
Về nguyên tắc hoạt động, Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 7/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 860/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngân Hà