A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP.HCM “cấm cửa” các lò giết mổ gia súc thủ công sau ngày 31/3/2023

Theo Quyết định của TP.HCM, 31/3 là thời hạn cuối cùng để các cơ sở giết mổ gia súc thủ công di dời về các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp.

TP. Hồ Chí Minh hiện có 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó, có 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, 6 nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thưc phẩm, vệ sinh môi trường đô thị, theo Quyết định 231/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh thì sau ngày 31/3/2023, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư sẽ chuyển vào trong các nhà máy giết mổ công nghiệp.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, gần đây xuất hiện tình trạng các thương lái di chuyển về các tỉnh lân cận để giết mổ, sau đó đưa ngược lại TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ dẫn tới nghịch lý là trong khi TP. Hồ Chí Minh ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở giết mổ thủ công trong thành phố thì các sản phẩm thịt được giết mổ từ các lò thủ công ở các tỉnh lân cận lại được vận chuyến ngược về thành phố để cung cấp cho người dân. Từ đó gây sự ức chế và bức xúc cho các cơ sở thủ công lẫn các nhà máy công nghiệp trên địa bàn.

TP.HCM “cấm cửa” các lò giết mổ gia súc thủ công sau ngày 31/3/2023
Các Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hiện hoạt động khó khăn do các thương lái quen với hoạt động giết mổ thủ công.

Đơn cử như trường hợp của dự án Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ. Nhà máy này có công suất giết mổ hơn 3.000 con heo/ngày trên diện tích gần 5ha, tổng vốn đầu tư xây dựng tính đến nay là hơn 700 tỷ đồng.

Theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố về ngừng hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư thì bắt đầu từ ngày 31/3, Nhà máy giết mổ gia súc và Chế biến thực phẩm An Hạ sẽ tiếp nhận toàn bộ lượng heo từ cơ sở giết mổ Xuyên Á và một số lượng heo từ các cơ sở giết mổ thủ công nhỏ lẻ khác trên địa bàn. Tuy nhiên cho tới nay dù đã cận kề 31/3 nhưng nhà máy này mới tiếp nhận được khoảng 500-600 con heo mỗi ngày từ các lò mổ thủ công.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ các thương lái “ngại” vào cơ sở giết mổ công nghiệp một phần do đã quen với giết mổ gia súc, gia cầm thủ công nên khi vào giết mổ công nghiệp còn bỡ ngỡ, dẫn tới việc họ tìm hướng chuyển về các tỉnh lân cận để giết mổ. Ngoài ra, chi phí cũng là một khó khăn. Theo đó, nếu như giết mổ thủ công chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng/con thì giết mổ công nghiệp đội lên gấp đôi - tức là 100.000-120.000 đồng/con.

Trước khó khăn nói trên, ông Lê Văn Thành - Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ cho biết, doanh nghiệp kiến nghị Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các Sở, ban ngành có biện pháp, kế hoạch cụ thể, rõ ràng, quyết liệt để ngăn chặn nguồn heo được giết mổ từ các lò thủ công từ các tỉnh lân cận đưa về thành phố tiêu thụ, ngăn chặn triệt để vấn nạn giết mổ lậu đang diễn ra công khai rầm rộ trên địa bàn. Đồng thời An Hạ cũng kiến nghị thành phố sớm có văn bản chấp thuận cho công ty được đóng tiền thuê đất một lần để có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thanh toán công nợ, đưa nhà máy vào hoạt động đúng tiến độ (dự kiến theo tiến độ nhà máy này sẽ chính thức đi vào vận hành kể từ ngày 1/4/2023 với 6 dây chuyền hiện đại).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm