A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân hưởng lợi từ Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại

Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ triển khai tại tỉnh Hòa Bình trên địa bàn các xã: Tử Nê, Đông Lai (Tân Lạc), An Bình (Lạc Thủy) từ tháng 3/2019 và tiếp tục gia hạn đến tháng 12/2025, đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Từ Chương trình, các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng; đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Là thành viên Hợp tác xã trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ Tân Đông, khi được Hợp tác xã giới thiệu tham gia Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF), ông Đào Quốc Trà, xóm Bái Trang, xã Đông Lai được Hội Nông dân các cấp tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật sản xuất, chăm sóc cây trồng. Gia đình ông xây dựng mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi gà, vịt dưới tán rừng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Trà chia sẻ: "Hiện nay, toàn bộ quy trình xử lý sâu bệnh, chăm sóc cây trồng trong vườn đều được sử dụng các phương pháp và nguyên vật liệu hữu cơ. Nhờ vậy, môi trường được bảo vệ, gia đình có thể chăn thả thêm gia cầm, gia súc dưới tán rừng keo, đất cũng giàu dinh dưỡng hơn giúp cây trồng phát triển tốt, thu nhập từ đó ngày càng nâng cao. Với mô hình nuôi trồng kết hợp, gia đình thu nhập bình quân hàng năm đạt hơn 350 triệu đồng từ trồng bưởi, nuôi gà thả vườn và kinh doanh gỗ keo.

Cũng như ông Trà, nhiều thành viên Hợp tác xã trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ Tân Đông đã tham gia Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại. Cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các cán bộ thuộc Chương trình và Hội Nông dân các cấp, ông Trần Hồng Năng xóm Tân Lai, xã Đông Lai thực hiện mô hình  trồng gừng dưới tán bưởi trên diện tích 0,2ha. Với kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh cho cây trồng đã được tập huấn, mô hình phát triển tốt. Mỗi năm, diện tích trồng gừng mang lại cho gia đình ông Năng thêm khoảng 5 triệu đồng.

Quá trình canh tác của các hộ thành viên tham gia Chương trình áp dụng hoàn toàn phương pháp hữu cơ, tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp để làm phân bón nên quả bưởi có vị ngọt, mọng nước, mùi thơm mát, giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, dễ bảo quản mà không cần bất kỳ hóa chất nào. Cũng vì thế, những năm gần đây, bưởi đỏ của Hợp tác xã trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ Tân Đông được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Trải qua 5 năm thực hiện, cùng với sự tham gia trực tiếp của các tổ hợp tác, Hợp tác xã, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất dưới tán rừng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân, nhất là góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu xây dựng và từng bước nâng cao các tiêu chí nông thôn mới của xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Biên cho biết, Chương trình FFF thực hiện từ tháng 3/2019 và tiếp tục gia hạn đến tháng 12/2025 đã nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rừng và trang trại về phát triển, cách thức tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi hiệu quả.

Cùng với đó, Chương trình khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lâm nông nghiệp, phát triển rừng bền vững, gia tăng giá trị từ rừng và cảnh quan rừng; đồng thời giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của địa phương để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng.

Những cách làm hay, sáng tạo từ Chương trình FFF giúp nông dân trên địa bàn tỉnh nhận được nhiều lợi ích về kinh tế, an toàn sức khỏe con người. Chính vì thế, Chương trình này ngày càng có nhiều nông dân đồng hành, muốn tham gia.

Năm 2023, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II được thực hiện tại xã Đông Lai, Tử Nê (Tân Lạc), xã An Bình (Lạc Thủy) tiếp tục đạt kết quả tích cực với 3 dự án nhỏ và 7 mô hình sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại của các tổ hợp tác, hợp tác xã được duy trì và phát triển. Ngoài ra, từ Chương trình, Hội nông dân tỉnh Hòa Bình trồng được 54,8ha rừng với các loại cây: keo, gù hương, dổi, tếch, lát...; xây dựng 31 mô hình trồng rừng gỗ lớn, mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, mô hình nông lâm kết hợp với thích ứng biến đổi khí hậu.

Cũng qua Chương trình, tại các tổ hợp tác, hợp tác xã đã thành lập nguồn Quỹ tính dụng xanh để hỗ trợ các thành viên vay vốn phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Đến nay, có 4 tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng được Quỹ với tổng số tiền 120 triệu đồng, cho 15 thành viên vay vốn, hỗ trợ trồng cây dược liệu, nuôi ong dưới tán rừng giúp người dân tạo sinh kế; triển khai xây dựng 9 mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh, nông lâm kết hợp một số loài cây có giá trị kinh tế cao trên diện tích 11ha tại một số xã của 2 huyện Tân Lạc và Cao Phong. Qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng trên một đơn vị diện tích, phát triển kinh tế rừng bền vững đa lợi ích, giúp nông dân giảm nghèo, làm giàu từ rừng./.

Lưu Trọng Đạt


Tác giả: Lưu Trọng Đạt
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm