A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều khó khăn trong công tác y tế học đường ở Hà Tĩnh

Sau 5 năm thực hiện chủ trương đưa nhân viên y tế học đường về công tác tại các trạm y tế xã, phường, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Việc không bố trí nhân viên y tế làm việc thường xuyên tại 642 trường học trên địa bàn đã gây ra không ít khó khăn trong quá trình phối hợp chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho học sinh, đặc biệt là lứa tuổi mầm non.

Tại Hà Tĩnh, từ tháng 9/2020 trở về trước, mỗi trường học trên địa bàn tỉnh đều có một nhân viên y tế trường học chuyên trách. Thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 94/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 96/2018/NQHĐND ngày 18/7/2018, trong đó, chuyển nhiệm vụ y tế học đường và các viên chức y tế ở các trường học về trạm y tế cấp xã hoặc trung tâm y tế cấp huyện. Sau khi điều chuyển nhân viên y tế học đường về trạm y tế xã, nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm nhiệm vụ này. Việc giáo viên kiêm nhiệm y tế học đường dẫn đến nhiều bất cập.

Đơn cử, xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) sau khi sáp nhập từ 3 xã Thạch Tân, Thạch Lâm và Thạch Hương thì toàn xã có 5 trường học với 7 điểm trường. Trạm Y tế xã Tân Lâm Hương đã bố trí một cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ y tế học đường tại 5 trường học và kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ chuyên môn khác theo sự phân công. Vì vậy, việc cán bộ này có thể đảm đương được trọn vẹn nhiệm vụ y tế học đường cho cả 5 trường học là rất khó.

Tại trường Mầm non Tân Lâm Hương 2 có 2 điểm trường với 396 học sinh. Cô giáo Lê Thị Chiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Do không có nhân viên y tế học đường nên cô sẽ đảm nhiệm các nhiệm vụ chung của y tế học đường tại trường học như: thu và lập hồ sơ bảo hiểm y tế học sinh, công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống bệnh học đường… Sau khi tiếp nhận các thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, cô sẽ phổ biến lại cho các giáo viên trong trường để cùng thực hiện. Khi trẻ có dấu hiệu bị mắc các bệnh truyền nhiễm, lây lan theo mùa như đau mắt đỏ, cúm… thì giáo viên chỉ có thể nhận biết được bằng cảm quan và thông báo phụ huynh cho trẻ nghỉ học để theo dõi. Trường hợp học sinh gặp sự cố về sức khỏe thì giáo viên phải chở xuống trạm y tế xã cách đó gần 4km.

Còn theo cô Đặng Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên): Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài các biên chế đứng lớp, mỗi trường học sẽ được bố trí ba vị trí gồm: Văn thư, kế toán, y tế trường học nhưng hiện nay nhà trường chỉ có một kế toán thực hiện 3 nhiệm vụ trên. Do trường mầm non có tổ chức ăn bán trú nên công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng, như thường lệ nhiệm vụ này sẽ là do nhân viên y tế học đường phụ trách, tuy nhiên vì không có nên nhà trường phải cắt cử giáo viên đến sớm để tiếp nhận thực phẩm, thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Tĩnh, năm học 2022 - 2023 toàn tỉnh có hơn 80 nghìn học sinh có nguy cơ về các bệnh suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, bệnh răng miệng, bệnh về mắt, hô hấp, tâm thần, thần kinh… Do đó, việc theo dõi, phòng, chống bệnh học đường, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn cho học sinh cần được thực hiện kịp thời và xuyên suốt cả quá trình đến lớp của các em học sinh. Ở mỗi cấp học, thể trạng và tâm sinh lý của các em sẽ có những biểu hiện khác nhau, vì vậy việc chăm lo sức khỏe cho các em ở cấp học nào cũng quan trọng và cần thiết như nhau, đặc biệt đối với cấp học Mầm non thì đây là quy định cứng được Bộ giáo dục và Đào tạo đề cập.

Ngày 30/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Tại Điều 7 của thông tư này quy định rõ định mức số lượng người làm việc, vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ như: y tế học đường, bảo vệ, phục vụ, nấu ăn. Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ.

Ông Nguyễn Hồng Cường, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết: thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tỉnh đã điều chuyển nhân viên y tế học đường sang làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Sau khi thực hiện mô hình quản lý mới, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo quy chế phối hợp thực hiện công tác y tế trường học tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với các cơ sở y tế trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình vận hành mô hình này cũng xuất hiện một số khó khăn, bất cập. Mặc dù tất cả trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều phân công nhân viên y tế kiêm nhiệm công tác y tế học đường, nhưng trên thực tế mỗi trạm y tế trung bình có từ 5 -7 người làm việc, trong khi đó nhiều địa phương cấp xã có từ 3 - 5 trường, thậm chí có xã có đến 7 điểm trường, vì vậy trạm y tế không đủ cán bộ để phân công mỗi trường có một cán bộ phụ trách như quy định tại Thông tư 13 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cá biệt, có những trường học có hàng nghìn học sinh nhưng có có nhân viên y tế học đường làm việc thường xuyên tại đây, khi có những sự việc xảy ra liên quan đến sức khỏe của học sinh rất khó thực hiện các thao tác xử lý ban đầu hoặc cấp phát thuốc cho học sinh khi cần.

Theo ông Thái Sinh, Phó ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh: Qua giám sát, tiếp thu ý kiến của người dân, công tác y tế học đường tại các trường học đang có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Bên cạnh mục tiêu tinh giản biên chế, việc điều chuyển nhân viên y tế trường học sang làm việc tại các cơ sở y tế phần nào nâng cao được vị thế, trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học trước đây… Hiện nay, việc thực hiện mô hình quản lý này cũng gặp một số khó khăn, vì vậy, thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng phương thức vận hành, thực hiện nhiệm vụ y tế học đường một cách căn cơ, phù hợp hơn với thực tiễn./.

Hoàng Ngà


Tác giả: Hoàng Thị Ngà
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm