Ngành học TMĐT có gì hot đến vậy mà sinh viên thi 9 điểm/môn chưa chắc đỗ?
Thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm gần đây trở thành một ngành học “hot” đối với các bạn sinh viên chính bởi sự phát triển của ngành này. Cùng tìm hiểu với mình ngành TMĐT có gì đặc biệt mà các bạn sinh viên thi 9 điểm/môn chưa chắc đã đỗ này nhé.
Chào mọi người, mình tên là Hải Anh, hiện tại mình đang là sinh viên ngành TMĐT tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau quá trình học và tìm hiểu về ngành TMĐT, mình muốn chia sẻ với các bạn về cơ hội cũng như thu nhập bạn có thể kiếm được từ ngành này.
Như các bạn cũng đã biết, TMĐT (E-Commerce) là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến.
Ngành TMĐT là ngành học thuộc khối ngành kinh tế bởi vì các hoạt động của TMĐT là các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trên các nền tảng ứng dụng số trong quy trình kinh doanh online.
Theo thống kê năm 2022, một số trường tuyển sinh ngành TMĐT với mức điểm khá cao, ví dụ như Kinh tế Quốc dân (28,1 điểm), Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (28 điểm) hay Đại học Thương mại (27 điểm)... Như vậy, có thể thấy dù thi điểm 9 điểm/môn vẫn chưa chắc suất tại các trường này.
Còn ở khu vực phía Nam, các trường có khối ngành này có thể kể đến như Đại học Kinh tế TP.HCM (940 điểm), Đại học Kinh tế-Luật-Đại Học Quốc Gia TPHCM (900 điểm), Đại Học Công Nghệ Thông Tin (852 điểm)...
Ngoài ra, bởi vì hiện nay là thời đại công nghệ số, sinh viên cũng sẽ được trang bị các kiến thức về chuyên ngành TMĐT 4.0. Mình và các bạn cùng lớp được học về cách xây dựng và triển khai ứng dụng TMĐT, quá trình thực hiện các hoạt động TMĐT cho doanh nghiệp. Mình được tìm hiểu về cách thức tiến hành quảng cáo trực tuyến hay phải tìm kiếm tập khách hàng tiềm năng và chăm sóc khách hàng như thế nào.
Cá nhân mình cảm nhận, có những kiến thức nền sẽ giúp bản thân tự tin hơn khi tham gia kinh doanh trên TMĐT, hiểu được cách vận hành của thị trường để từ đó xây dựng cửa hàng, doanh nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Mình sẽ không còn loay hoay tự tìm hiểu về các cách thức tiếp thị sản phẩm cũng như những công cụ Digital Marketing nữa. Việc quản lý đơn hàng, khách hàng và theo dõi doanh số cũng như lên kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn giờ đây cũng trở nên dễ dàng.
Mình thường xuyên nhận được một câu hỏi, học TMĐT xong thì có phải sẽ mở cửa hàng và bán đồ online đúng không. Thực ra, cơ hội việc làm ngành TMĐT nhiều hơn mọi người nghĩ, bởi vì đây là một ngành mới và tiềm năng phát triển lớn, được dự báo sẽ cần một nguồn nhân lực lớn trong tương lai.
Với những kiến thức và thế mạnh về xây dựng chiến lược kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực công nghệ, tin học, ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có thể dễ dàng xin việc tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.
Mình có thể gợi ý một số vị trí làm việc cho cử nhân ngành TMĐT như Quản lý TMĐT, Chuyên viên nghiên cứu TMĐT, Chuyên viên Digital Marketing, Chuyên gia chuyển đổi số, Chuyên viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển TMĐT và Kinh tế số. Và đặc biệt là giảng viên ngành TMĐT tại các trường đại học.
Theo mình tìm hiểu, công việc Quản lý TMĐT yêu cầu nhân sự có thể theo dõi và quản lý các kênh bán hàng trực tuyến của công ty, các nền tảng khác nhau như website, app, mạng xã hội. Còn Chuyên viên nghiên cứu TMĐT thì đòi hỏi nhân sự có thể cùng các phòng ban khác lên chiến lược và lựa chọn các kênh bán hàng hiệu quả cho cửa hàng, doanh nghiệp.
Một điểm mạnh của sinh viên ngành TMĐT chính là Digital Marketing bởi vì chương trình học thường có khoảng 60-70% kiến thức liên quan đến lĩnh vực này nên cử nhân tốt nghiệp hoàn toàn cũng có thể tham gia vào các phòng ban marketing của các công ty khác nhau.
Thậm chí, nhân sự ngành TMĐT còn có thể làm trong các cơ quan Nhà nước về TMĐT như Cục Thương mại điện tử và kinh tế số hay Bộ Công Thương. Đặc biệt, theo mình thấy, sinh viên TMĐT thường hay khởi nghiệp sau khi đã trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết và được trau dồi trong quá trình học.
Ngoài ra, TMĐT cũng là một trong những ngành nghề có thể giúp bạn đem lại nguồn thu nhập không có giới hạn. Theo báo cáo mới nhất của Navigos, các vị trí trong ngành TMĐT không có nhiều sự khác biệt giữa 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Mức lương của các bạn trong ngành TMĐT không hề thấp, dao động từ khoảng 8-20 triệu/tháng, tùy theo vị trí và năng lực. Thậm chí, các vị trí quản lý có thể kiếm được hơn 200 triệu đồng/tháng. Trên đây là những chia sẻ của mình về ngành học TMĐT, hy vọng sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về ngành cũng như những cơ hội mà ngành học mang lại!
Theo chia sẻ từ đại diện Lazada Việt Nam, với mục tiêu phổ cập đào tạo TMĐT rộng rãi, giúp cho việc tiếp cận và học tập về TMĐT trở nên dễ dàng hơn đối với thế hệ trẻ, Lazada đã triển khai dự án “Lazada Ecommerce Education” - hợp tác với các Trường Đại học hàng đầu có ngành học hoặc lĩnh vực học liên quan đến TMĐT để tổ chức các chương trình hỗ trợ đào tạo cho Sinh viên.
Bên cạnh đó, Lazada cũng tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên ngành TMĐT trong các hoạt động hỗ trợ định hướng và tiếp cận nghề nghiệp như: Trao học bổng; Hướng nghiệp và tiếp nhận thực tập sinh; Tổ chức hoạt động tham quan văn phòng và trung tâm phân loại hàng hóa của Lazada Việt Nam dành cho sinh viên và giảng viên; Tổ chức chương trình Tư vấn hướng nghiệp; Chọn lọc, tiếp nhận danh sách sinh viên của trường, khoa và ưu tiên tuyển dụng nhân sự thực tập đến từ trường, khoa,…
Thông qua chuỗi hoạt động ý nghĩa và thiết thực, Lazada đặt mục tiêu đưa Học viện Lazada trở thành đối tác đào tạo TMĐT chiến lược của các trường đại học hàng đầu Việt Nam.