A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đà Nẵng thu hút đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Thành phố Đà Nẵng mới thu hút được 25 triệu USD vào công nghệ thông tin và còn nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực này nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng.

Thu hút đầu tư vào công nghệ thông tin, công nghệ số còn hạn chế

Chiều 11/9, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo quốc tế Xúc tiến đầu tư và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại thành phố.

Đà Nẵng thu hút đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Hội thảo quốc tế Xúc tiến đầu tư và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tìm các giải pháp, đề xuất để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển AI tại TP. Đà Nẵng

Thông tin đến đại diện các mạng lưới đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong nước và quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…, ông Lê Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết đến nay, thành phố đã thu hút được hơn 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (dự án FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 4,1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có 25 triệu USD là dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó, tiềm năng cho phát triển công nghệ thông tin nói chung, trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng của Đà Nẵng còn rất lớn khi có đầy đủ mạng lưới các trường viện đào tạo nguồn nhân lực; có mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; và có sự có mặt của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn.

Thành phố Đà Nẵng xác định công nghệ thông tin, kinh tế số, chuyển đổi số là 1 trong 5 mũi nhọn để phát triển kinh tế Đà Nẵng đến 2030 và tầm nhìn 2045. Mặc dù thu hút đầu tư vào công nghệ thông tin chưa lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất nổi bật. Năm 2022, kinh tế số đóng góp 17% GRDP thành phố; tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông thành phố đạt 34.293 tỷ đồng, trong đó, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 20.920 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 132 triệu USD (tăng 120% so với kế hoạch và tăng 34% so với năm 2021).

Dù đạt được những kết quả tích cực nhưng từ thực trạng thu hút đầu tư cũng cho thấy thành phố chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ thông tin, nhất là các dự án chuyên sâu về công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Blockchain… Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các lĩnh vực này cũng còn rất thiếu hụt.

Đà Nẵng thu hút đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số đánh giá Đà Nẵng có tiềm năng trở thành một Hub về trí tuệ nhân tạo

Đà Nẵng có thể bắt kịp thế giới ở một số lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo?

Đà Nẵng đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 20% GRDP thành phố, công nghiệp công nghệ thông tin truyền thông chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025, con số này lần lượt tăng lên 30% và 15% vào năm 2030. Bên cạnh đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số; tốc độ doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 10%/năm, tăng trưởng doanh thu phần mềm giai đoạn này đạt 12%/năm.

Để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng có nhiều chính sách để phát triển hạ tầng số, phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực.

Đặc biệt, thành phố dành nhiều nguồn lực để xây dựng nền tảng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Theo ông Nguyễn Công Tiến – Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, thành phố đã ưu tiên khuyến khích đầu tư, phát triển vào lĩnh vực AI. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được thụ hưởng nhiều ưu đãi về thuế đất, miễn giảm thuế suất doanh nghiệp. Ông Tiến đề xuất doanh nghiệp có thể xem xét thành lập viện nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (tận dụng mạng lưới trường đại học, doanh nghiệp AI, Blockchain).

Đà Nẵng thu hút đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Thành phố Đà Nẵng bước đầu đã ứng dụng AI vào quản lý, giám sát, điều hành phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng - Trung tâm IOC Đà Nẵng)

Đề xuất với Đà Nẵng các giải pháp để thúc đẩy phát triển AI, nhiều doanh nghiệp cho rằng Đà Nẵng có tiềm năng trở thành một Hub (trung tâm) về trí tuệ nhân tạo nếu nhận diện và nghiên cứu ngay từ bây giờ.

Là đơn vị tiên phong trong xây dựng dữ liệu thông minh, ông Nguyễn Xuân Tài – Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Công nghệ thông tin Naiscorp cho rằng, AI đang ở giai đoạn đầu phát triển, Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng có thể bắt kịp hoặc dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực của AI. Ông Tài khuyến nghị Đà Nẵng có thể tận dụng lợi thế địa phương đó là sản xuất giá rẻ, thay đổi nhanh, phù hợp với bản địa; nghiên cứu các vấn đề mới ngay bây giờ như Quantum AI, Analog/Neuromorphic; Computing Spatial Computing; Tư vấn ứng dụng AI vào chuyển đổi số; ứng dụng và chế tạo Robots; Emation AI. Đại diện Naiscorp cũng đề xuất thành lập viện nghiên cứu chuyên sâu về AL và Modern computing.

Còn ông Nguyễn Văn Minh Đức – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hekate cho rằng nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng trong phát triển AI. Các chương trình đạo tạo nguồn nhân lực phục vụ cho AI có thể đến từ hợp tác với các đơn vị đào tạo trường học, các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tập đoàn, doanh nghiệp…. “Chúng tôi kỳ vọng TP. Đà Nẵng có thể trở thành một Hub (trung tâm đổi mới sáng tạo) về trí tuệ nhân tạo với những chương trình AI quy mô quốc tế có thể được tổ chức tại địa phương trong tương lai”, ông Đức nói.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm