Lập lại trật tự trong bảo vệ an toàn nguồn nước
Trước tình trạng sử dụng chưa hợp lý nguồn nước, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước ngày càng tăng và khó xử lý, tỉnh Phú Thọ đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ an toàn nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững kinh tế, xã hội trên địa bàn.
* Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước
Để lập lại trật tự trong việc duy trì, giữ gìn, bảo vệ an toàn nguồn nước, đồng thời làm căn cứ để xử lý, giải tỏa và ngăn chặn các trường hợp vi phạm mới trong bảo vệ nguồn nước và công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật, cách đây gần 1 năm, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản số 3721/UBND-CNXD ngày 25/9/2023 triển khai thực hiện phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.
Trong đó, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chứa quan trọng. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ thiếu nước, hạn hán trên địa bàn tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo, đặc biệt đối với các công trình khai thác cấp nước tập trung cho mục đích sinh hoạt, mục đích sản xuất nông nghiệp.
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến nay, các đơn vị liên quan đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ phương án cắm mốc chỉ giới bảo vệ và mốc bảo vệ nguồn nước đối với 15 công trình hồ chứa và hồ sơ phương án cắm mốc chỉ giới bảo vệ của 3 công trình khác. Trong đó, 5 hồ sơ phương án cắm mốc chỉ giới đã được các đơn vị thẩm định và đang xem xét phê duyệt; số công trình còn lại sẽ hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt trong tháng 7 năm 2024.
Theo ông Bùi Văn Quang, ngay sau khi phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan có kế hoạch, lộ trình bố trí kinh phí theo thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện trên thực tế, đảm bảo phù hợp với tầm quan trọng của công trình và nguồn lực của địa phương. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn. Ngay sau khi hoàn thành việc cắm mốc, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị, tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao trách nhiệm, thực hiện các biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, tỉnh cũng đang tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác và sử dụng nguồn nước.
Theo ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, những năm gần đây, Sở đã liên tục tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước theo từng chuyên đề tại khu, cụm công nghiệp; khu dân cư, đô thị tập trung; chăn nuôi...
Mặt khác, Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước; giám sát việc khai thác, sử dụng và xả nước thải; dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, nhất là nguồn nước liên quốc gia. Các cơ quan chức năng thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung, các trang trại chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; xác định mốc giới phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt...
Từ năm 2020 đến hết năm 2023, Sở đã phát hiện, xử lý 37 đơn vị vi phạm thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất không có giấy phép; vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường; vi phạm xả nước thải không đúng vị trí quy định của giấy phép; vi phạm không thực hiện quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng nước dưới đất; vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra ngoài môi trường với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 tỷ đồng, thu hồi hơn 226 triệu đồng là tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm hành chính.
Nhờ kiểm tra thường xuyên, quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm an toàn, an ninh nguồn nước, đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất đã chủ động lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định. Hầu hết các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào nguồn nước đã thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải và vận hành xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, phù hợp với mục đích sử dụng nước của nguồn tiếp nhận trước khi xả thải, góp phần bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sống.
* Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2030
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ, do quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, dân số gia tăng khiến nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, dân sinh trên địa bàn tăng theo. Trong khi đó, tài nguyên nước mặt được hình thành trong nội tỉnh nếu chia theo đầu người mới chỉ bằng 20% trung bình của cả nước; khả năng tiếp cận dòng chảy với sông Đà, sông Thao và sông Lô đang ẩn chứa nhiều nguy cơ ô nhiễm…
Ông Phạm Văn Quang cho biết, để bảo đảm an toàn nguồn nước, UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2030. Quy hoạch được phê duyệt sẽ giúp quản lý được nhu cầu nước cho dân sinh, tăng cường hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên nước; đồng thời cũng ngăn chặn và khắc phục có hiệu quả tình trạng suy thoái số lượng và chất lượng tài nguyên nước của các nguồn nước trên địa bàn tỉnh cũng như trên các hệ thống sông. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở cho quản lý nhà nước, quyết định trong thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, các dự án hỗ trợ, đầu tư có liên quan…
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước và xây dựng hệ thống xử lý nước thải, vận hành xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, phù hợp với mục đích sử dụng nước. Đồng thời, Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh thi hành Luật Tài nguyên nước; phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước, thiết lập quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
Sở cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước; nâng cao công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, kiểm kê, đánh giá thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh để đánh giá một cách toàn diện hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước, thống kê các nguồn nước bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, Sở đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh phê duyệt danh mục các nguồn nước mặt phải lập hành lang bảo vệ; danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện rà soát để điều chỉnh, bổ sung danh mục, báo cáo UBND tỉnh…
Với những giải pháp đưa ra, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ sẽ đảm bảo nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt là 63,58 triệu m3/năm; phục vụ du lịch và dịch vụ là 24,71 triệu m3/năm; công nghiệp là 53,62 triệu m3/năm; nông, lâm, thủy sản là 384,34 triệu m3/năm./.
Đào An